Từ trung tâm thành phố, muốn sang làng chài Thọ Quang, bơi biển Mỹ Khê, lên đỉnh Sơn Trà... chỉ có đôi, ba đường: Qua cầu sông Hàn, cầu Nguyễn Văn Trỗi, vẫy đò qua sông. Khi tôi sống trong ngôi nhà trọ ở đường Nguyễn Văn Thoại (cuối đường là bãi biển Mỹ Khê đẹp nức tiếng thế giới), có rủ chúng bạn sang bên này chơi, thì họ đều từ chối, vì ngại qua cầu Nguyễn Văn Trỗi. Xa xôi gì đâu, từ trung tâm thành phố sang biển Mỹ Khê độ hai cây số chứ mấy! Hồi đó, một bộ phận người dân Đà Nẵng sống ở bên kia sông có tâm lý chung rất ngại ra biển tắm mát, ăn nhậu, hóng gió. Mấy thằng bạn còn trêu tôi: “Con gái quận 3 (quận Sơn Trà) không bằng bà già quận 1 (quận Hải Châu)”.
|
|
Một góc chùa Linh Ứng Bãi Bụt trên bán đảo Sơn Trà.
|
Trước khi trở thành thiên đường nghỉ dưỡng của Đà Nẵng, quận Sơn Trà từng là vùng quê nghèo khó ngay trong lòng thành phố. Có câu ca mà người dân Đà Nẵng thường hay dùng để nhắc về một thời hoang sơ, nghèo khó của vùng đất quận 3 xưa kia, mà chỉ nghe thôi cũng chất chứa u buồn: “Đứng bên ni Hàn ngó bên tê Hàn nước xanh như tàu lá/ Đứng bên tê Hàn ngó qua bên ni Hàn phố xá thênh thang”.
Nhưng thời thế thay đổi rất nhanh. Qua hơn chục năm, phố xá dọc bờ biển Mỹ Khê đã mang diện mạo mới, văn minh, hiện đại. Sơn Trà hiện là quận sầm uất, thịnh vượng bậc nhất của Đà Nẵng.
Mỗi lần lao xuống biển Mỹ Khê, tôi lại hướng mắt về chùa Linh Ứng Bãi Bụt, tự nhủ: Có lẽ, bức tượng Phật Quan Thế Âm đã chứng kiến tất cả. Điểm độc đáo và nổi bật nhất trong quần thể kiến trúc chùa Linh Ứng Bãi Bụt chính là tượng Phật Quan Thế Âm cao nhất Đông Nam Á (được UNESCO công nhận) với chiều cao 67m, đường kính tòa sen 35m. Tượng tựa lưng vào núi, mặt hướng ra biển với đôi mắt hiền từ, một tay bắt ấn tam muội, tay kia cầm bình nước cam lồ như thể trao bình an, phước lành cho chúng sinh thành tâm lễ Phật và cho ngư dân đang lênh đênh trên biển kiếm sống. Năm 2019, ảnh chụp tượng Phật Quan Thế Âm tại chùa Linh Ứng Bãi Bụt được kênh truyền hình CNN (Mỹ) bình chọn vào danh sách 58 bức ảnh du lịch đẹp nhất thế giới trong năm (The world’s best travel photos of 2019).
Từ trên các tòa tháp của tượng, du khách thập phương có thể ngắm nhìn một góc thành phố Đà Nẵng, núi rừng và biển, đảo Sơn Trà. Phóng tầm mắt ra xa hơn, núi Ngũ Hành Sơn cùng bãi biển bao quanh bởi bờ cát dài hiện ra đầy cảm xúc. Sáng sớm khi nắng lên hay lúc chiều về, bầu trời trong xanh cùng gió biển mát lành mang lại cho du khách ấn tượng tuyệt vời, những trải nghiệm đáng để đặt chân lên chùa Linh Ứng Bãi Bụt một lần nữa. Về đêm, từ cổng chùa, du khách bắt gặp một vệt sáng dài của ánh đèn thành phố như vệt sao băng.
Nhớ lại, hồi năm 2008, tôi cùng người bạn mò mẫm đi chơi bán đảo Sơn Trà, trên đường về, chúng tôi nghỉ chân dưới chùa Linh Ứng Bãi Bụt, gặp tốp thợ quê ở Thừa Thiên Huế đang xây sửa tượng Phật Quan Thế Âm, anh em trò chuyện rất hợp. Thế rồi cứ độ đôi tuần, chúng tôi lại hẹn gặp nhau dưới chân tượng Phật Quan Thế Âm để cùng nhau hàn huyên. Hồi đó, lần đầu lên chùa, đập vào mắt tôi là tòa chính điện sừng sững giữa bầu trời trong xanh. Sân chùa chưa có mấy cây cảnh, nhưng đã hiển hiện tượng 18 vị La Hán. Từ chùa-chốn bồng lai tiên cảnh-ngắm nhìn thành phố Đà Nẵng như là thần tiên. Nhưng điều khiến tôi nhớ mãi là những đàn chim bay lượn trong chính điện. Không biết tự bao giờ, chúng đã coi chính điện là “tổ”.
Mỗi lần ghé chơi Đà Nẵng, tôi lại lên chùa Linh Ứng Bãi Bụt vãn cảnh, để nghe tiếng chim hót trong chính điện. Tiếng chim hót ríu rít như thúc giục lữ khách đến với Đà Nẵng, đến với biển Mỹ Khê, đến với bán đảo Sơn Trà, để được hòa mình vào cõi Phật nơi chùa Linh Ứng Bãi Bụt linh thiêng.
Bài và ảnh: KHOA MINH