Trong đó, ruộng bậc thang ở huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái là địa danh đầu tiên của cả nước được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Danh thắng quốc gia từ năm 2007. Năm 2019, danh lam thắng cảnh ruộng bậc thang Mù Cang Chải được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt.   

Sớm nhận thấy những tiềm năng đặc sắc mà ít địa phương nào có được, cách đây 8 năm, tháng 9-2015, UBND huyện Mù Cang Chải tổ chức Tuần lễ văn hóa-du lịch Danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2015 với chủ đề “Mùa vàng trên non”, trong đó có hoạt động Triển lãm ảnh “Mù Cang Chải-những nấc thang vàng”.

 Mùa vàng Mù Cang Chải. Ảnh: baovanhoa.vn

Từ đó đến nay, vào khoảng cuối tháng 9, đầu tháng 10 hằng năm-mùa lúa chín vàng rộ đẹp nhất trên những thửa ruộng bậc thang, huyện Mù Cang Chải thường niên tổ chức Tuần văn hóa-du lịch mùa vàng nhằm tôn vinh những giá trị di sản độc đáo của người dân địa phương. Đây cũng là sản phẩm du lịch đặc trưng nhất, nổi bật nhất của huyện Mù Cang Chải và cả tỉnh Yên Bái.

Có lẽ từ hiệu ứng “kích hoạt” của sản phẩm du lịch mùa vàng Mù Cang Chải nên vài năm trở lại đây, hàng loạt địa phương miền núi có ruộng bậc thang cũng đua nhau cho ra đời những sản phẩm du lịch với cái tên tương tự. Ví như ở thị xã Sa Pa (Lào Cai) có Lễ hội mùa thu với chủ đề “Sa Pa-mùa vàng”; huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) tổ chức Chương trình “Qua những miền di sản ruộng bậc thang Hoàng Su Phì” với chủ đề “Tiếng gọi mùa vàng”; huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) tổ chức Hội mùa vàng huyện Bình Liêu, trong đó có giải chạy “Cung đường mùa vàng” và giải dù lượn “Bay trên mùa vàng”. Không chỉ có cấp huyện tổ chức, gần đây, UBND xã Hồng Thái, huyện Na Hang (Tuyên Quang) cũng tổ chức Lễ hội mùa vàng Hồng Thái năm 2023.

Không phủ nhận những nỗ lực của các địa phương miền núi trong việc khai thác, phát huy giá trị tài nguyên thiên nhiên, sinh thái, văn hóa bản địa để phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng, góp phần phát triển kinh tế du lịch, cải thiện đời sống đồng bào các dân tộc và tạo cơ hội thuận lợi cho du khách bốn phương đến tham quan, trải nghiệm, du lịch ở các địa phương miền núi. 

Tuy nhiên, phải chăng vì chạy theo phong trào mà nhiều địa phương đang “giẫm phải chân nhau” khi cho ra đời chương trình (tour, tuyến) du lịch giống nhau không chỉ ở tên gọi “mùa vàng” mà các sản phẩm du lịch cũng xoay quanh mấy hoạt động như: Trình diễn dù lượn bay; thi thu hoạch lúa; chạy bộ, leo đồi; chinh phục đỉnh núi cao; tổ chức các trò chơi, thể thao, trang phục dân tộc; trưng bày các sản phẩm OCOP của địa phương... Trong khi đó, việc tuyên truyền, quảng bá, kích cầu du lịch cũng thường gói gọn trong câu “Địa danh X-điểm đến du lịch an toàn, hấp dẫn, thân thiện”.

Vẫn biết “mùa vàng” là sản phẩm du lịch độc đáo của các địa phương miền núi sở hữu những thửa ruộng bậc thang đẹp như tranh vẽ, nhưng nếu địa phương nào cũng có sản phẩm du lịch gần giống nhau thì rất khó để thu hút du khách. Bởi vì, đi du lịch là để khám phá, trải nghiệm cái mới mẻ, độc, lạ mà ở nơi khác không có (hoặc có cũng không đáng kể).

Ngược lại, trên một vùng, miền mà có quá nhiều sản phẩm du lịch giống nhau thì vô hình trung lại hạ thấp chất lượng du lịch. Làm du lịch theo kiểu phong trào thì khó có thể thúc đẩy ngành “công nghiệp không khói” phát triển một cách chuyên nghiệp, hiệu quả, bền vững!

PHÚC NỘI

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Du lịch xem các tin, bài liên quan.