Du lịch Khánh Hòa, không chỉ có Nha Trang và biển

Cuối tháng 5-2022, đoàn tùy viên quân sự các nước tại Việt Nam đến thăm Bộ CHQS tỉnh Khánh Hòa và tham quan một số địa điểm du lịch tại TP Nha Trang. Trong buổi làm việc với lãnh đạo Bộ CHQS tỉnh Khánh Hòa, Đại tá Prapard Iamolee, Tùy viên không quân Thái Lan chia sẻ: “Nha Trang đẹp quá, người dân rất hiền hòa, thân thiện. Chúng tôi hy vọng sẽ có dịp trở lại Nha Trang nhiều lần nữa”. Thực tế cho thấy, không chỉ Đại tá Prapard Iamolee mà nhiều du khách quốc tế, trong nước biết đến Khánh Hòa qua tham quan, du lịch TP Nha Trang và trải nghiệm du lịch biển, đảo. Mặc dù, du lịch biển, đảo vẫn là ưu thế của Khánh Hòa, song nhìn rộng ra tỉnh không chỉ có du lịch biển, đảo mà có rất nhiều loại hình du lịch khác nhau. Để thay đổi tâm lý nhận thức của du khách là cả một quá trình, mà đây cũng chính là một hạn chế trong chiến dịch quảng bá, thông tin, truyền thông về địa phương. Mặc dù, thời gian qua đã có khá nhiều sự thay đổi trong chiến lược phát triển du lịch, nhưng suy nghĩ của nhiều du khách vẫn mặc định như vậy. Bên cạnh đó, việc xác định phát triển các thị trường du lịch, xác định tiềm năng đã gặp phải nhiều khó khăn, đến khi đại dịch Covid-19 xảy ra trên toàn cầu, cùng với xung đột vũ trang, chiến tranh ở một số nước, vấn đề này bộc lộ rõ nét đối với du lịch của Khánh Hòa.

 Lễ hội trái cây huyện Khánh Sơn thu hút đông đảo du khách tham gia.Ảnh: THỤC HIỀN.

Để thay đổi quan niệm này, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền địa phương cùng ngành du lịch đã có những nỗ lực rất lớn. Lễ hội trái cây huyện Khánh Sơn lần thứ hai vừa diễn ra trong tháng 8 là một ví dụ. Theo đồng chí Nguyễn Văn Nhuận, Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn, địa phương có vị trí về phía Tây Nam của tỉnh Khánh Hòa, cách TP Cam Ranh 40km, cách TP Nha Trang 100km. Huyện Khánh Sơn nằm ở độ cao trung bình từ 400m đến 800m so với mặt nước biển, có khí hậu đặc trưng nhiệt đới gió mùa, khí hậu ôn hòa, thổ nhưỡng phù hợp hình thành vùng chuyên canh các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Để giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh nông nghiệp, du lịch của địa phương và kế thừa từ thành công của lễ hội trái cây lần thứ nhất năm 2019, UBND huyện Khánh Sơn đã tổ chức Lễ hội trái cây huyện Khánh Sơn lần thứ hai năm 2022. Qua 4 ngày diễn ra lễ hội đã thu hút hơn 15.000 lượt khách tham quan, mua sắm, trải nghiệm; tiêu thụ hơn 100 tấn nông sản các loại. Trong đó, có 70 tấn sầu riêng, 10 tấn mít, 10 tấn bưởi, 5 tấn chôm chôm, 4 tấn mía tím, 3 tấn chuối... Chị Nguyễn Thị Hòa (trú tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) chia sẻ: “Tôi biết đến huyện Khánh Sơn không chỉ có lễ hội trái cây mà còn là nơi khám phá vẻ đẹp hoang sơ quyến rũ của thác Tà Gụ, thảo nguyên Tà Giang, rất phù hợp với du khách trải nghiệm loại hình du lịch trekking (du lịch khám phá đi bộ dã ngoại đường dài) hay khám phá nét văn hóa của đồng bào Raglay với hệ thống nhạc cụ đàn đá độc đáo, những làn điệu dân ca đặc sắc hay những lễ hội ăn mừng lúa mới, lễ bỏ mả...”.

Một trong những nhiệm vụ, giải pháp xây dựng và thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, nhất là quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Nghị quyết 09 nêu rõ: Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa phải có tầm nhìn dài hạn, bảo đảm hiệu quả tổng thể, phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch khu vực Nam Trung Bộ; có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý giữa bảo tồn và phát triển, giữa truyền thống và hiện đại, giữa thành thị và nông thôn; bảo tồn và phát huy bản sắc đô thị biển-đảo-sông-núi; giữ gìn bản sắc cộng đồng thân thiện, hiền hòa, thuần hậu; quy hoạch đô thị theo hướng thông minh, bền vững, bản sắc và kết nối quốc tế, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Điều chỉnh không gian đô thị hợp lý, gắn với phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, miền, địa phương. Trong đó, TP Nha Trang là đô thị hạt nhân; TP Cam Ranh là đô thị du lịch-logistics; huyện Cam Lâm trở thành đô thị sân bay hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế; huyện Vạn Ninh trở thành đô thị du lịch biển cao cấp; thị xã Ninh Hòa là đô thị công nghiệp, huyện Diên Khánh là đô thị sinh thái, văn hóa truyền thống; huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh là các tiểu đô thị sinh thái núi rừng; huyện Trường Sa là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước, là pháo đài vững chắc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Như vậy, việc phát triển các vùng kinh tế-xã hội ở các địa phương đều đi đôi với sự phát triển của ngành du lịch trên nhiều phương diện.

Những giải pháp đột phá, lâu dài

Du khách truyền thống đa phần là người Nga, Trung Quốc, chiếm 80-90% tổng số khách du lịch quốc tế đến Khánh Hòa. Những tác động của tình hình thế giới, khu vực trong thời gian qua đã khiến lượng du khách quốc tế của tỉnh không đạt được như mong đợi. Ngoài ra, thị trường khách nội địa chưa thật sự được địa phương quan tâm đúng mức. Do đó, đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức cho ngành du lịch Khánh Hòa. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Thị Lệ Thanh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Chúng tôi đã có nhiều kế hoạch, giải pháp, tìm thị trường mới, tiềm năng để kích cầu du lịch, như đề xuất mở mới và khôi phục lại các đường bay quốc tế từ các nước Hàn Quốc, Singapore, Uzbekistan; mở rộng thị trường du lịch ra các nước Ấn Độ, Hàn Quốc, các nước Trung Đông... Ngoài ra, Sở Du lịch cũng tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch tổ chức hoạt động văn hóa, du lịch, thể thao các năm, xây dựng bản đồ tài nguyên du lịch, cũng như tổ chức nhiều hội thảo, đóng góp ý kiến về Chiến lược kích cầu du lịch tỉnh Khánh Hòa năm 2022-2023, tầm nhìn đến năm 2030”.

Khánh Hòa đặt mục tiêu phấn đấu trong giai đoạn 2021-2025, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tổng thu từ du lịch đạt khoảng 200.000 tỷ đồng (khoảng 8,8 tỷ USD), đóng góp trực tiếp vào GRDP từ 15 đến 17%; tạo việc làm cho hơn 160.000 lao động trực tiếp trong du lịch. Để đạt được mục tiêu này cần có những giải pháp đột phá, giải pháp mang tính lâu dài, với sự đóng góp vào cuộc không chỉ của các cơ quan chức năng, mà rất cần sự chung sức, đồng lòng của nhân dân. Theo đồng chí Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, Nghị quyết 55 của Quốc hội vừa mới thông qua (có hiệu lực trong 5 năm kể từ ngày 1-8-2022) là sự cụ thể hóa cho việc triển khai Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị. Nghị quyết 55 có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển của tỉnh trong 5 năm tới, cũng như mục tiêu đến năm 2030, Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Trong nhiều nhiệm vụ, giải pháp tổng thể thì riêng lĩnh vực du lịch cần tiếp tục triển khai các chương trình, kế hoạch kích cầu thu hút du khách kết hợp đồng bộ với hoạt động truyền thông, xúc tiến quảng bá du lịch Khánh Hòa, đặc biệt chuẩn bị tốt công tác tổ chức Hội thảo xúc tiến du lịch Ấn Độ và các tỉnh Nam Trung Bộ (Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận). Đồng thời, chủ động đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các địa phương, tạo ra nhiều cung đường xanh, an toàn kết nối du lịch; phát huy yếu tố văn hóa của từng vùng miền trong phát triển du lịch biển nhằm tạo dấu ấn riêng, thu hút du khách. Đẩy mạnh đầu tư, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch biển hiện có và phát triển các sản phẩm dịch vụ du lịch biển chất lượng cao, đi đôi với bảo vệ, tôn tạo và phát triển nguồn tài nguyên, hệ sinh thái biển, cải thiện môi trường du lịch nhằm bảo đảm cho sự phát triển bền vững lâu dài. Tăng cường công tác quản lý, kiểm soát tốt hoạt động kinh doanh du lịch; thường xuyên tổ chức kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về kinh doanh du lịch, bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp và thúc đẩy quảng bá kích cầu du lịch Khánh Hòa.

Chủ động triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phát triển du lịch địa phương, tỉnh Khánh Hòa đã được Bộ Chính trị đồng ý về chủ trương, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là hệ thống giao thông vận tải đồng bộ, hiện đại; hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số; làm cơ sở để Khánh Hòa phát huy vai trò là trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ chính ra Biển Đông, có vai trò trung tâm kết nối vùng Tây Nguyên với duyên hải Nam Trung Bộ với các vùng, miền trong cả nước và quốc tế. Trong đó, phấn đấu hoàn thành và đưa vào khai thác: Dự án hầm Đèo Cả; tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông qua địa bàn tỉnh Khánh Hòa gồm các đoạn: Vân Phong-Nha Trang; Nha Trang-Cam Lâm, Cam Lâm-Vĩnh Hảo; tuyến cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột. Nâng cấp, duy tu, bảo trì 5 tuyến quốc lộ trên địa bàn tỉnh. Nghiên cứu chuyển đổi tuyến quốc lộ 1C thành đường địa phương. Đầu tư đường bộ ven biển từ Bãi Chùa đến ranh giới tỉnh Ninh Thuận; đường sắt tốc độ cao đoạn TP Hồ Chí Minh-Nha Trang... Đây cũng là cơ sở để du lịch Khánh Hòa sẽ tạo sự kết nối mạnh mẽ, tiếp tục có nhiều khởi sắc trong thời gian tới.

 Theo báo cáo của Cục Thống kê tỉnh Khánh Hòa, thị trường khách du lịch quốc tế tiếp tục được chú trọng với việc khôi phục lại các đường bay giữa Khánh Hòa và các nước sau hơn hai năm tạm ngưng vì dịch Covid-19. Cùng với đó, lượng khách du lịch nội địa trong dịp hè tiếp tục tăng cao. Tính chung 7 tháng năm 2022, doanh thu hoạt động du lịch đạt 7.511 tỷ đồng, gấp 4 lần so với cùng kỳ năm trước; khách lưu trú đạt hơn 1,4 triệu lượt người, trong đó có gần 70.000 lượt khách quốc tế.

(còn nữa)

Nhóm phóng viên