Để được chọn làm nghiên cứu sinh của Khoa Báo chí, Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Moscow mang tên Lomonoxop thuộc Liên Xô trước đây và nay là Liên bang (LB) Nga, các cán bộ phải trải qua một quá trình chọn lọc không dễ dàng. Hằng ngày, giảng viên trẻ Nguyễn Văn Dững của Phân viện Báo chí và Tuyên truyền (nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền) vẫn miệt mài ôn thi từ sáng sớm đến tối muộn, đến đúng hôm thi thì ốm. Dẫu vậy, Nguyễn Văn Dững vẫn cố gắng hoàn thành các bài thi và trở thành một trong những cán bộ xuất sắc nhất được cử đi học tập, nghiên cứu tại Liên Xô. PGS, TS Nguyễn Văn Dững chia sẻ: “Khi thi đậu, tôi hạnh phúc một phần thì gia đình tôi phấn khởi và tự hào mười phần. Nhưng thi đậu là một chuyện, làm thế nào để trang trải cuộc sống bên Liên Xô lại là chuyện khác. Đồng tiền phụ cấp ít ỏi không đủ sống nên chúng tôi phải vừa học vừa làm. Thiếu thốn và khó khăn là vậy nhưng chưa bao giờ tôi có ý định bỏ cuộc”.

“Người lái đò” nghiêm khắc

Một trong những người truyền động lực để PGS, TS Nguyễn Văn Dững vượt qua những khó khăn chính là giảng viên hướng dẫn – GS, TSKH E. P. Prokhorop. Vị giáo sư này đã từng từ chối hướng dẫn 2 nghiên cứu sinh khi họ không đáp ứng được yêu cầu mà ông đưa ra. Nhiều bạn bè khuyên Nguyễn Văn Dững nên chọn lại giảng viên hướng dẫn bởi người ta nghi ngại ông sẽ sớm bỏ cuộc nhưng chàng nghiên cứu sinh vẫn kiên định. Ông quan niệm “đi học là phải gặp thầy giỏi” nên luôn cảm thấy may mắn khi gặp được người thầy hướng dẫn khoa học là chuyên gia đầu ngành của báo chí Xô viết, nổi tiếng về sự nghiêm khắc. Đến bây giờ, GS, TSKH Prokhorop vẫn là người truyền cảm hứng và có ảnh hưởng rất lớn tới phong cách làm việc của PGS, TS Nguyễn Văn Dững.

PGS, TS Nguyễn Văn Dững còn nhớ như in, ông đặt chân vào nước Nga vào ngày 25-12-1989. Ban đầu, Nguyễn Văn Dững chọn đề tài bảo vệ luận án tiến sĩ là “Vai trò của báo chí trong quá trình mở rộng tính công khai và dân chủ hóa đời sống xã hội (dựa trên tư liệu báo chí Liên Xô và Việt Nam đầu những năm 90)”. Nghe xong, GS, TSKS Prokhorop cho rằng, đề tài này khá hay nhưng cần phải điều chỉnh cho phù hợp với hoàn cảnh lúc đó. Thế là ông Prokhorop nêu 3 hướng đề tài, yêu cầu nghiên cứu sinh suy nghĩ kỹ rồi chọn một vấn đề.

GS, TSKH E. P. Prokhorop tặng hoa và dặn dò nghiên cứu sinh Nguyễn Văn Dững tại buổi bảo vệ luận án tiến sĩ. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Nhà giáo Prokhorop đưa ra các yêu cầu rất khắt khe. Thứ nhất, ông không sửa lỗi ngữ pháp, chính tả. Thứ hai, phải làm việc nghiêm túc, đúng kế hoạch. Cuối cùng, phải làm tư liệu trên báo chí Liên Xô. “Giáo sư nói ông rất không hoan nghênh những nghiên cứu sinh làm luận án ở Nga nhưng lại khảo sát thực tế ở nước mình, đó là kiểu “múa rìu qua mắt thợ”. Để kiểm soát chất lượng và phương pháp làm việc của nghiên cứu sinh, cũng như bảo đảm chất lượng nghiên cứu khoa học, việc sử dụng tư liệu báo chí Liên Xô là thiết yếu”, PGS, TS Nguyễn Văn Dững kể lại.

Không giống những nghiên cứu sinh tại Nga trong các giai đoạn khác, Nguyễn Văn Dững đã chứng kiến sự tan rã và hình thành của các thể chế. Ông nhấn mạnh rằng đó vừa là khó khăn, vừa là may mắn. Khó khăn vì ông phải trải qua và “va đập” với nhiều chính biến, may mắn vì không phải ai cũng có cơ hội trải nghiệm các cuộc chính biến ấy. Chứng kiến sự sụp đổ của một thể chế nên mỗi nghiên cứu sinh tại Nga đều có sự trưởng thành tương đối toàn diện về mặt tư tưởng, biết cách nhìn nhận các biến động xã hội và hiểu rõ trước những biến động ấy thì mình cần phải như thế nào.

Khi Nguyễn Văn Dững làm luận án, GS, TSKH Prokhorop giao sách và tài liệu cho ông đọc hằng tuần. Có lần giáo sư giao cho học viên của mình 5 cuốn sách, yêu cầu đọc xong trong một tuần. Nguyễn Văn Dững vừa học vừa tranh thủ làm thêm, đọc đến bở hơi tai mất ba tuần. Sau đó, Dững đến gặp giáo sư thì thầy cau mày: “Tại sao bây giờ mới đọc xong?” Nguyễn Văn Dững phân trần: “Mong ông thông cảm, vì tôi không phải người Nga, tôi đọc tiếng Nga vất vả lắm. Ngoài giờ nghiên cứu tài liệu, tôi còn phải làm thêm kiếm tiền nuôi vợ con…” Nghe xong, giáo sư nhìn Nguyễn Văn Dững hồi lâu. Hơn ai hết, GS, TSKH Prokhorop hiểu rằng việc bươn chải kiếm sống ở Nga là điều không hề dễ dàng đối với một nghiên cứu sinh ngoại quốc, nhất là trong bối cảnh bấy giờ. Từ đó, cứ mỗi buổi làm việc, giáo sư lại gọi Nguyễn Văn Dững đến nhà, vừa tiện trao đổi công việc, vừa để sẻ chia những khó khăn trong cuộc sống. PGS, TS Nguyễn Văn Dững hồi tưởng lại căn phòng làm việc của vị giáo sư đáng kính năm xưa. Đó là căn phòng nhỏ, chỉ khoảng 18m2, chiều ngang chỉ đủ kê một chiếc ghế đi-văng dài và một chiếc tủ sách cũ, chiếc bàn gấp được kê nép vào giá sách bên cạnh chiếc ghế ngồi làm việc. Có lần, giáo sư chia sẻ mong muốn có một phòng làm việc rộng rãi hơn để giờ giải lao có không gian tập thể dục nhẹ nhàng.

Phu nhân của GS, TSKH Prokhorop rất quý mến Nguyễn Văn Dững. Ông kể lại rằng, vào những năm cuối cùng của Liên Xô, hàng hóa đều khan hiếm, những cửa hàng không có gì để bán, mọi thứ dường như trống rỗng, đặc biệt là các mặt hàng thực phẩm. Người dân Nga xếp hàng từ sáng đến tối, chỉ để mua bằng được những nhu yếu phẩm. Có những hôm, họ phải ra về tay không. Chia sẻ những khó khăn đó, sau mỗi buổi làm việc, phu nhân giáo sư thường mời Nguyễn Văn Dững ở lại dùng bữa. “Đó không phải là những món sơn hào hải vị, chỉ đơn giản là bánh mì đen và muối trắng nhưng không khí lại ấm áp vô cùng”, ông Nguyễn Văn Dững nhớ lại.

Là một nghiên cứu sinh trẻ tuổi, Nguyễn Văn Dững không giấu nổi sự lo lắng trước khi bảo vệ luận án tiến sĩ khi thấy trong danh sách hội đồng có nhiều người “khác ý kiến”. GS, TSKH Prokhorop đã động viên ông rằng bảo vệ luận án tiến sĩ cần phải có những phản biện khó tính để “anh có dịp trưởng thành từ ngay trong hội đồng này”. Nguyễn Văn Dững bảo vệ thành công, trước khi về nước, GS, TSKH Prokhorop gọi ông đến và dặn dò: “Mỗi dân tộc đều có một đỉnh cao. Liên Xô đã lên tới đỉnh, còn Việt Nam thì đang ở phía trước. Muốn đạt được đỉnh cao và phát triển thì những người như anh phải giữ vững định hướng, quan điểm phát triển phải có chọn lọc”. Những lời này đã trở thành kim chỉ nam trong suốt quá trình công tác của PGS, TS Nguyễn Văn Dững sau này.

Nỗi trăn trở không thể gặp lại người thầy năm xưa

Năm 2010, VTV tổ chức chương trình truyền hình trực tiếp để kỷ niệm tình hữu nghị giữa Việt Nam - Nga, PGS, TS Nguyễn Văn Dững đã đề xuất và được ban tổ chức nhất trí, mời GS, TSKH Prokhorop sang thăm Việt Nam và dự chương trình. Ban tổ chức đã cử người đem thư mời tới tận nhà vị giáo sư hướng dẫn. Không may, giáo sư khi ấy mới bị ngã cầu thang, gãy chân nên không thể di chuyển. Sau đó, ông đã hồi âm để gửi lời cảm ơn và bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể sang Việt Nam - dù đây là nguyện vọng mà ông đã nhiều lần nói với học trò của mình.

Nguyện vọng của GS, TSKH Prokhorop dường như cũng là những ấp ủ của Nguyễn Văn Dững. Năm 2012, ông Nguyễn Văn Dững theo đoàn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, sang trao Huân chương hữu nghị tặng Giáo sư Trưởng khoa Báo chí, Trường Đại học Tổng hợp Lomonoxop.  PGS, TS Nguyễn Văn Dững đã chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ của nước Nga. Vẻ ủ dột của Moscow mùa đông năm xưa đã được thay thế bằng những tòa nhà chọc trời, những ngọn đèn đường lung linh huyền ảo và nét mặt tươi vui của những người dân Nga. “Tôi tìm đến nhà GS, TSKH Prokhorop. Căn phòng làm việc của giáo sư đã rộng rãi hơn trước rất nhiều…. Nhưng tôi không thể cùng ông ngồi thảo luận công việc nữa rồi. Giáo sư đã qua đời trước đó không lâu. Vậy là từ khi về nước, tôi không một lần nào được gặp lại người thầy đáng kính của mình”. Kể đến đây, PGS, TS Nguyễn Văn Dững lặng đi. Ông mắt nhòa lệ, như đang nhìn về miền ký ức, đó là những ngày tháng còn ngồi trong giảng đường của trường Lomonoxop và say sưa lắng nghe những bài giảng sâu sắc, những cuộc thảo luận với GS, TSKH Prokhorop. Đó là những ký ức đẹp, mà PGS, TS Nguyễn Văn Dững mãi lưu giữ trong trái tim.

MAI HƯƠNG – TẠ NHỊ