Cứ mỗi khi nghe bài hát Nga hay nhắc đến nước Nga, trong tôi đều dâng trào một cảm xúc mãnh liệt. Một cảm xúc pha trộn nồng nàn cồn cào nhớ, cồn cào mê đắm đến lặng đi trong thứ men tình dìu dịu mà say như điếu đổ ấy!

Từ nhỏ, tôi đã được sống trong không gian nghệ thuật thấm đẫm tâm hồn Nga từ những bài hát mà bố tôi thường nghe đến những bức tranh, bức điêu khắc, những vần thơ, câu chuyện ở nước Nga mà chính bố tôi là tác giả và cũng là người trải nghiệm. Vì vậy, hình ảnh nước Nga thân yêu đã cố hữu trong tâm trí tôi từ lúc nào không hay. Tôi yêu nước Nga cũng xuất phát từ tình yêu của bố với nước Nga vĩ đại từ những ngày thơ bé ấy.

Nếu nói nước Nga là cái nôi giúp bố tôi phát triển và trưởng thành thì có lẽ cũng đúng như vậy. Bởi nơi đây, con người Nga, thiên nhiên Nga đã ươm mầm hội họa cho bố tôi; những kiến trúc độc đáo, những bức tượng trải dài trên khắp nước Nga đã tạo niềm hứng khởi say mê với nghệ thuật điêu khắc và tạc tượng cho ông. Và nơi đây, sự nhiệt tình, nồng hậu, nhân ái của các thầy, cô giáo, những người bạn Nga đã cho bố tôi tri thức hiện đại nhất của thập niên những năm 60 để trở về xây dựng quê hương... Để sau này ông đã trở thành một cán bộ cốt cán của nhà máy Phân đạm và hóa chất Hà Bắc, người góp viên gạch đầu tiên xây dựng hệ thống dây chuyền sản xuất tự động hóa, là nhà thơ, nhà điêu khắc với nhiều tác phẩm ghi danh cho mình. Bố tôi là Phạm Ngọc San - bút danh là Thôn Nhân Phạm, một người luôn có tình yêu da diết, khắc khoải trong tâm khảm, bỏng cháy với nước Nga. Hơn nữa, như bố tôi từng nói: “Với bố, nước Nga như là Tổ quốc thứ hai bởi vì trong dòng máu của bố có dòng máu của một người bạn Nga rất thân thiết đã cứu bố trong lần cấp cứu do bị phơi nhiễm phóng xạ dưới phòng thí nghiệm năm xưa”.

Theo dòng các câu chuyện kể lại của bố tôi mà tôi được biết, năm 1963, sau khóa học dự bị tiếng Nga tại trường Đại học Ngoại ngữ (bây giờ là Đại học Hà Nội), bố tôi đã có may mắn được đặt chân lên mảnh đất tươi đẹp và yên bình - thành phố Moscow. Chàng sinh viên nghèo Việt Nam lúc bấy giờ một mình nơi xứ người đã rất may mắn được học tập với rất nhiều bè bạn quốc tế. Nhập học Trường Đại học Công nghệ Hóa học Liên bang Nga mang tên D.I.Mendeleev, Khoa Hóa học điều khiển, chuyên ngành Điều khiển các quá trình sản xuất hóa, từ sự bỡ ngỡ ban đầu, ngay lập tức ông đã tự tin hòa nhập với môi trường mới, với những người bạn Nga mới. Lẽ đời, bạn bè thì nhiều nhưng tri kỷ mấy người. Với bố tôi, thật hạnh phúc bởi có rất nhiều người bạn tri kỷ, cả người Việt, người Nga và các bạn bè từ năm châu, bốn biển.

Theo như bố tôi kể, lúc bấy giờ Việt Nam đang chiến tranh, khó khăn là thế. Nước Nga sau khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai năm 1945 cho đến thời điểm cuối những năm 50 đầu năm 60 của thế kỷ trước cũng còn vô vàn khó khăn thiếu thốn. Tuy nhiên với tinh thần của dân tộc Nga “lá lành đùm lá rách”, với sự tương thông trong suy nghĩ, trong tính cách dân tộc anh em xã hội chủ nghĩa… hầu hết tất cả các du học sinh từ các nước XHCN như Bulgaria, Hungari, Việt Nam… và các nước khác hay kể cả các học sinh từ các nước tư bản chủ nghĩa như: Anh, Italy, Pháp, Tây Ban Nha… đều được vững bước và trưởng thành trên mảnh đất Nga thân yêu, dưới sự dìu dắt của các thầy cô giáo Nga yêu quý. Từ những buổi học, buổi thí nghiệm ngoài lịch lên lớp, những bữa cơm nhường khẩu phần ăn, mảnh quần tấm áo chia sẻ lúc tiết trời khắc nghiệt… Câu chuyện kể lại luôn thấm đẫm sự nhung nhớ, sự biết ơn, sự trân trọng của bố tôi là như thế…

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
Hình ảnh chú Xasa và bố tôi những năm sinh viên và sự gắn bó bên nhau trong từng hoạt động.

Trong vô vàn những kỷ niệm đó, bố tôi rất hay nhắc đến chú Xasa. Những mùa hè bên nhau cùng làm việc trên cánh đồng Nga ở vùng quê chú Xasa, những cái Tết xa nhà nhưng lại ấm áp đón Năm mới bên gia đình chú ấy, những buổi bên nhau trong các sự kiện trọng đại của gia đình chú ấy; trên giảng đường; trong phòng thí nghiệm; hay cả khi lang thang trên phố thu thập mẫu tượng, mẫu ảnh để sáng tác nghệ thuật...

Bố tôi luôn nhắc đến chú Xasa với một cảm xúc ấm áp lạ thường. Bố nói, chú là người hiểu và luôn ủng hộ ông theo đuổi tài lẻ về nghệ thuật. Bố có một chiếc cặp đựng rất nhiều ảnh kỷ niệm, các bưu thiếp về hội họa, về điêu khắc mà chú Xasa đã dành tiền mua tặng ông từ thời đó. Đến bây giờ những tấm bưu thiếp ấy vẫn được cất giữ rất trân trọng và cẩn thận. Cảm động và khắc ghi sâu sắc nhất chính là sự kiện ông vì mải thí nghiệm mà bị khóa lại trong phòng thí nghiệm. Do thể trạng yếu, ông ngất lịm… cấp cứu mãi không tỉnh lại. Sau này, nghe các bạn học kể lại, chính chú Xasa là người đã báo để cứu ông và cũng là người sẵn sàng hiến máu cứu ông thoát khỏi hiểm nguy.

Nhưng tiếc là sau khi về nước, dù đã cố gắng giữ thư từ liên lạc, nhưng do điều kiện giao liên kém, do cách xa địa lý, do công việc phải chuyển đổi nên cả bố tôi và chú ấy đã thất lạc nhau…

leftcenterrightdel
Hình ảnh những lá thư đi lại giữ liên lạc sau khi về nước của bạn Nga gửi cho bố tôi.

Năm 1991, sau khi tốt nghiệp cấp 2, tôi thi vào lớp chuyên Anh của trường PTTH Năng khiếu Hà Bắc. Đỗ chuyên Anh, nhưng cũng vì tình yêu với bố, với những câu chuyện kể, với những người Nga tôi chưa hề gặp… tôi đã chuyển sang học lớp chuyên Nga. Rồi tiếp tục học Khoa tiếng Nga tại trường Đại học Ngoại ngữ Thanh Xuân (nơi trước kia bố tôi đã theo học lớp dự bị tiếng), tiếp tục học Thạc sĩ chuyên ngành ngôn ngữ Nga… Năm 2008 khi biết tin tôi được đến Moscow, bố tôi rất vui và đã viết bài thơ “Gửi Bạch Dương” tặng tôi, mở đầu bài thơ đã là nỗi nhớ da diết của ông:

“Ba lăm năm có lẻ

Bố xa xứ Bạch dương

Nay con về nơi ấy

Nơi trăm ngàn mến thương…”. (Trích tuyển thơ Phạm Ngọc San - NXB Hội Nhà văn, 2018).

Khi chính mình được đặt chân lên mảnh đất con người và đất nước tôi đã nghe từ nhỏ, thứ ngôn ngữ tôi đã học trong ròng rã cả chục năm trời, bản thân tôi càng cảm nhận được tình yêu da diết, sâu thẳm của bố với nơi ấy… Từ sự nhiệt tình tận tụy, đôn hậu của các thầy cô giáo, đến sự hiền lành, hiếu khách, chịu thương chịu khó của những người dân gốc Nga mà tôi đã được trải nghiệm… đến thiên nhiên, vạn vật hiện hữu nơi đây… tôi thực sự đã yêu nước Nga “bằng cả trái tim”!

Với tất cả những ai trong cuộc đời chỉ có 1 chút ký ức với nước Nga thôi thì cũng đủ nhớ quắt quay mỗi khi hoài niệm về nó. Với bố tôi, nỗi nhớ ấy lại càng da diết. Trong các bức tranh ông vẽ cũng tràn ngập tâm hồn Nga, những bức tượng thạch cao cũng mang phong cách Nga và cả từ những vần thơ sáng tác đến những trăn trở khi chuyển tải dịch thơ của các nhà thơ nổi tiếng nước Nga cũng đều thấy tâm hồn Nga thấm đẫm trong các tác phẩm sáng tác của bố tôi.

leftcenterrightdel
 

Và năm 2018, bố tôi và chú Xasa đã tìm lại được nhau. Có lẽ thật đúng với câu ngạn ngữ Nga “Миртишен” – Trái đất hẹp”. Nhưng rất tiếc do bệnh nặng, bố tôi đã không chờ được ngày tái ngộ gặp lại người bạn tri kỷ của mình. Qua tấm bưu thiếp mà chú Xasa nhờ người gửi cho bố, tôi được biết, tên thật chú là Егоров Александр Фёдорович hiện đang là Trưởng khoa Hệ thống tích hợp máy tính trong công nghệ hóa học của ngôi trường mà bố tôi và chú ấy cùng từng gắn bó suốt thời sinh viên.

Tình cảm của các thế hệ Việt Nam với nước Nga và con người Nga là thế. Da diết và khắc cốt ghi tâm đến hơi thở cuối cùng. Theo dòng thời gian, những mối quan hệ dù cá nhân theo nghĩa hẹp hay theo nội hàm rộng lớn cũng đều xây dựng những bước tiến vững chãi trong mối quan hệ Nga-Việt. Và chính tôi cũng đã là một русофилы (người yêu tất cả những gì liên quan đến nước Nga). Nếu có điều kiện sang Nga một lần nữa, nhất định tôi sẽ đến thăm người bạn tri kỷ của Bố tôi và gửi tặng ông những kỷ vật sáng tác hội họa, điêu khắc mà Bố tôi đã gửi gắm tình yêu và nỗi nhớ nước Nga trong đó. Hiện nước Nga đã vào thu. Thu nước Nga trường tồn và quyến rũ biết bao thế hệ người Việt Nam trong đó có tôi…

“…Trở lại nơi sắc vàng đến say mê cũng chẳng biết bao giờ

Chỉ thảng thốt, thẫn thờ bởi tình yêu da diết thế!

Thu vàng Nga quyến luyến tâm hồn của biết bao thế hệ

Dù chưa từng hay chỉ một lần đắm chìm sau vòm lá vàng kia…”

(trích “Da diết mùa thu Nga” - Phạm Thị Thái Hà).

Trung tá, ThS PHẠM THỊ THÁI HÀ (Khoa Ngoại ngữ - Học viện Chính trị)