Từ năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn. Điều này nói lên bản chất quan trọng của văn hóa là hình thành nên tinh thần cho quốc gia-yếu tố then chốt để chúng ta hình thành, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Đảng ta, trong các nghị quyết chuyên đề về văn hóa nhấn mạnh: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển kinh tế-xã hội; văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội.

Ảnh minh họa: TTXVN 

 

Như vậy, phát triển văn hóa chính là xây dựng con người và đồng thời là mục tiêu của sự phát triển đất nước. Vì thế, mọi sự phát triển kinh tế-xã hội cần xoay xung quanh việc phát triển văn hóa, tạo điều kiện cho sự phát triển văn hóa. Ở bất kỳ lĩnh vực nào, kể cả kinh tế, y tế, giáo dục, giao thông, khoa học, công nghệ... khi được điều tiết bởi văn hóa, thông qua hệ giá trị đạo đức, sẽ hướng đến con người nhiều hơn, trở nên bền vững hơn. Không những thế, trong giai đoạn hiện nay, khi các quốc gia tập trung nhiều hơn để xây dựng sức mạnh mềm thì văn hóa có tác dụng tích cực trong việc hỗ trợ phát triển kinh tế của đất nước. 

Những năm vừa qua, cùng với sự phát triển kinh tế-xã hội, việc huy động nguồn lực cho phát triển văn hóa ngày càng được mở rộng, góp phần đáng kể vào việc xây dựng các thiết chế văn hóa. Tuy nhiên, so với những thành tựu trên lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, thành tựu trong lĩnh vực văn hóa chưa phát triển tương xứng; chưa đủ để tác động có hiệu quả xây dựng con người và môi trường văn hóa lành mạnh. Cơ chế, chính sách về kinh tế trong văn hóa, văn hóa trong kinh tế và huy động, quản lý các nguồn lực cho văn hóa chưa cụ thể, rõ ràng. Hệ thống thiết chế văn hóa và cơ sở vật chất, kỹ thuật cho hoạt động văn hóa còn thiếu và yếu, có nơi xuống cấp, thiếu đồng bộ, hiệu quả sử dụng thấp. Công tác quy hoạch, đào tạo, bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý văn hóa các cấp, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao còn nhiều hạn chế, bất cập.

Việc tổ chức Hội thảo văn hóa năm 2022 là dịp để chúng ta củng cố quyết tâm, có thêm hành động cụ thể, phù hợp hơn với bối cảnh mới. Các chủ đề của hội thảo đề cập đến 3 vấn đề quan trọng nhất đối với sự phát triển văn hóa là thể chế, chính sách và nguồn lực. Đây có thể xem là những nhân tố mang tính đột phá mà nếu xử lý được, chúng ta sẽ tạo ra một xung lực mới cho phát triển văn hóa. Khi có chính sách phù hợp hơn cho phát triển công nghiệp văn hóa, khơi thông được nguồn lực sáng tạo từ các văn nghệ sĩ, chúng ta sẽ có cơ hội tốt hơn để phát triển lĩnh vực quan trọng này. Quốc hội với tư cách là cơ quan quyền lực tối cao của đất nước, sẽ là nơi nghiên cứu, vận dụng sáng tạo, hiệu quả những ý kiến tham luận từ chính hội thảo này.

Việt Nam đã gặt hái nhiều thành công trong công cuộc đổi mới về kinh tế và chính trị, giờ đây chúng ta rất cần một cuộc đổi mới trong lĩnh vực văn hóa, để văn hóa trở thành hệ điều tiết cho sự phát triển của xã hội và thực sự là sức mạnh nội sinh thúc đẩy đất nước phát triển giàu mạnh, phồn vinh, hạnh phúc.

PGS, TS BÙI HOÀI SƠN