Năm Quý Mão, con vật làm khuấy đảo dư luận những ngày đầu năm không phải là mèo mà lại là chó.
Chuyện là, tại TP Hồ Chí Minh vừa qua, người cha vì bảo vệ con mình khỏi bị chó không rọ mõm cắn nhưng đã bị chủ chó hành hung. Hành động phi nhân tính đó làm nhiều người sửng sốt, phẫn nộ khi chủ vật nuôi vì con chó mà coi thường tính mạng con người, nhất là một đứa trẻ. Vụ việc cũng khiến bao nỗi bức xúc trong xã hội trỗi dậy về nạn chó thả rông không rọ mõm. Dường như thú vui của một số cá nhân đang ngày càng gây ra nhiều phiền toái, thậm chí nguy hiểm cho cộng đồng.
Chó cắn người không phải là chuyện lạ, nhưng cũng chẳng còn là chuyện nhỏ. Mỗi năm, tại Việt Nam có gần nửa triệu người bị chó cắn. Theo số liệu thống kê của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tại TP Hồ Chí Minh, từ dịp Tết Nguyên đán 2023 đến nay, đơn vị đã tiếp nhận gần 500 người đến tiêm vaccine phòng dại do chó cắn.
Chó cắn chết người là nỗi ám ảnh, khiếp sợ cho nhiều người. Sự việc bé trai 7 tuổi bị đàn chó dữ cắn chết ở Hưng Yên xảy ra năm 2019 khiến chúng ta đến giờ vẫn không khỏi đau đớn mỗi khi nhắc lại. Chưa kể những cái chết oan uổng, thầm lặng sau nhiều tháng bị chó cắn phát bệnh dại, gây phẫn nộ cho xã hội về vấn nạn chó thả rông.
Bên cạnh câu chuyện thú nuôi gây hại cho người, điều khiến cộng đồng bức xúc không kém đó còn là thái độ, hành xử phi văn hóa của nhiều chủ vật nuôi, vì chó mà tấn công người, xem “chó hơn người”. Đây không phải là chuyện hiếm gặp. Nhìn một cách khách quan, yêu thương là một loại tình cảm nên khuyến khích, dù dành cho ai, cho loài nào.
Nó nuôi dưỡng, giáo dục lòng trắc ẩn, tính nhân văn trong mỗi con người. Nhưng khi tình yêu đó thành “cuồng”, vì thú cưng mà sẵn sàng tấn công vào sức khỏe, tinh thần người khác là rất đáng lên án. Đã có không ít câu chuyện, hình ảnh phản cảm được nêu trên báo chí, trên mạng xã hội khi chủ vật nuôi xem nơi công cộng như “nhà vệ sinh” của chó hay mang chó vào bể bơi, cho chó ngồi ăn chễm chệ trên bàn... Trong khi đó, chủ nuôi thú cưng phản ứng với góp ý của người xung quanh bằng những lời đe dọa, thậm chí bạo lực.
Luật pháp quy định chủ nuôi chó, mèo phải đăng ký với chính quyền, phải xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình, bảo đảm vệ sinh; khi đưa chó ra nơi công cộng phải bảo đảm an toàn cho người xung quanh. Tuy nhiên, nhiều chủ nuôi chó vẫn rất thiếu ý thức tuân thủ pháp luật, thiếu cả phép ứng xử văn hóa nơi công cộng nên họ vẫn coi "thú cưng" của mình là trên hết. Trong khi đó, chế tài xử phạt chưa thực sự đủ mạnh và đủ sức răn đe nên nạn nuôi tự do, thả chó rông không rọ mõm của một bộ phận người dân vẫn nhởn nhơ tồn tại.
Quý trọng thú cưng không ai cấm đoán. Nhưng cưng nựng chó, mèo đến mức cực đoan mà không quan tâm đến sự lo lắng, an nguy của người khác, của cộng đồng thì không phải người sống "giàu tình cảm" như ai đó từng quan niệm, mà thực chất là lối sống vị kỷ, thiếu tình yêu thương chân thành với đồng loại và vi phạm chuẩn mực ứng xử văn hóa rất đáng cảnh tỉnh, lên án.
THU HÀ