Xuất khẩu lao động (XKLĐ) là lựa chọn ưu tiên để khởi nghiệp của nhiều thanh niên, bởi mức thu nhập cao hơn nhiều lần so với làm việc trong nước ở cùng một công việc và vị trí việc làm. Nhiều người không có việc làm ổn định, kinh tế gia đình khó khăn cũng cố gắng tìm cho mình một “tấm vé” XKLĐ và xem đây là con đường ngắn nhất, nhanh nhất để thoát nghèo. 

Có thể thấy rằng, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là định hướng, cũng là giải pháp đúng đắn của ngành lao động-thương binh và xã hội nhằm giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn, miền núi.

 Lao động Việt Nam hiện có mặt tại 40 quốc gia trong hơn 30 lĩnh vực, ngành nghề. Ảnh minh họa: dantri.com.vn

Lao động Việt Nam hiện có mặt tại 40 quốc gia trong hơn 30 lĩnh vực, ngành nghề, đóng góp đáng kể vào nguồn ngoại tệ của đất nước khi mỗi năm có khoảng hơn 3 tỷ USD được gửi về từ người lao động đi làm việc ở nước ngoài. 

Mặc dù mang lại hiệu ứng tích cực, hiệu quả rõ nét như vậy nhưng phía sau câu chuyện XKLĐ cũng còn nhiều vấn đề mà các ngành chức năng vẫn chưa thể giải quyết một cách căn cơ. Giai đoạn 2013-2021, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực XKLĐ đưa được gần 1 triệu người đi làm việc ở nước ngoài. Trong số này, có đến 90% chủ yếu là lao động phổ thông, tay nghề thấp, làm công việc giản đơn và yếu về chuyên môn, ngoại ngữ. 

Từ những hạn chế này nên XKLĐ ở nước ta thời gian qua mới chỉ giải quyết được bài toán về việc làm và nâng cao thu nhập, còn chất lượng lao động sau xuất khẩu vẫn chưa được như kỳ vọng ban đầu.

Trên thực tế, phần lớn người lao động mang nặng tâm lý đi làm việc để kiếm tiền, nâng cao thu nhập mà không có kế hoạch để học tập ngoại ngữ, tiếp thu kiến thức chuyên môn, nâng cao kỹ năng, kinh nghiệm để phát triển nghề nghiệp sau khi về nước. Nhiều người ra đi và mang theo ước mơ đổi đời, sau vài năm làm việc, tích lũy được chút vốn liếng, trở về quê hương nhưng không có kế hoạch phát triển nguồn vốn mà lại đầu tư xây dựng nhà cửa to đẹp, hoành tráng.

Sẽ không quá lời khi cho rằng, những ngôi nhà khang trang, bề thế ấy phần nào phản ánh thực tế về chất lượng lao động sau xuất khẩu. Khi vốn liếng tích lũy đã hết, trình độ nghề nghiệp không được nâng cao, hoặc kỹ năng nghề dần bị mai một thì họ lại rơi vào vòng luẩn quẩn, loay hoay tìm kiếm việc làm, thậm chí thất nghiệp. Các cơ quan chức năng một lần nữa đau đầu giải quyết bài toán việc làm sau xuất khẩu.

Từ chất lượng lao động trước và sau khi đi làm việc ở nước ngoài cũng cho thấy những yếu kém về chất lượng nguồn nhân lực ở nước ta, điều này tác động trực tiếp, làm suy giảm năng lực cạnh tranh quốc gia. Nếu vẫn giữ quan điểm, mục tiêu XKLĐ như hiện nay thì lao động Việt Nam vẫn sẽ chỉ là những người công nhân bậc thấp, làm thuê cho cả thế giới mà chưa thể vươn tầm trở thành người thợ giỏi hay kỹ sư lành nghề, được chào đón, thu hút, mời gọi ở các nước tiên tiến.

Do đó, trong giai đoạn hiện nay, XKLĐ cần hướng tới mục tiêu kép, vừa nâng cao thu nhập cho người lao động, nhưng đồng thời phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Để đạt mục tiêu này thì ngành lao động-thương binh và xã hội, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực XKLĐ cần phải thay đổi quan điểm về đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Cần quan tâm, ưu tiên cho sinh viên, học viên trường nghề vì đây là nhóm có khả năng học tập, tiếp nhận tay nghề, công nghệ và kinh nghiệm, tư duy quản lý của nước ngoài.

XKLĐ là cơ hội cho nhiều người lập thân, lập nghiệp trong tương lai. Điều quan trọng hơn là mỗi người phải xây dựng được ý thức tự giác và thực sự nghiêm túc, chuyên nghiệp với công việc đang làm, nhất là việc học tập ngoại ngữ, nâng cao trình độ tay nghề, kỹ năng chuyên môn để không hoài phí những năm tháng sinh sống, làm việc trong môi trường chuyên nghiệp.

Đó chính là “tấm vé khứ hồi” chất lượng cao để mỗi người có bước đường khởi nghiệp thêm vững vàng, rộng mở sau XKLĐ.

MINH MẠNH