Những ngày qua, trụ sở Công ty Cổ phần VietBright tại lô 3, nhà B7 Khu đô thị Mỹ Đình 1, phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm (TP Hà Nội) luôn có rất nhiều nạn nhân bị lừa tìm đến đòi giám đốc của công ty trả lại tiền đã đóng để được đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) tại Hàn Quốc, trong số này có bà Lê Thị T.
Bà T cho biết: “Tháng 3-2018, tôi được người quen giới thiệu ông Trịnh Anh Ngọc, Giám đốc Công ty Cổ phần Vietbright chuyên đưa người lao động (NLĐ) sang Hàn Quốc làm việc. Tôi gặp và được ông Ngọc cho biết, hiện nay đưa NLĐ sang Hàn Quốc bằng con đường chính thống rất khó khăn. Vì thế, ông Ngọc hướng dẫn sẽ đưa cháu tôi đi lao động bằng visa thương mại (được lưu trú tại Hàn Quốc 30 ngày). Sau khi sang sẽ có công ty của Hàn Quốc tiếp nhận và đổi thành visa lao động dài hạn. Mức lương tối thiểu mà cháu tôi nhận được sẽ là 1.500 USD/tháng. Do tin tưởng nên tôi đã đưa cho ông Ngọc nhiều lần tiền với tổng số là 500 triệu đồng và 13.000 USD. Tuy nhiên, sau gần một năm cháu tôi vẫn không được đi XKLĐ theo như những gì ông Ngọc đã nói. Vì thế, tôi đến công ty để xin lại hồ sơ và số tiền đã nộp. Sau nhiều lần tìm đến công ty, ông Ngọc đã trả tôi một phần. Hiện ông Ngọc vẫn còn nợ tôi 200 triệu đồng và 3.000 USD. Không chỉ riêng tôi mà rất nhiều người cũng bị lừa, có người đã nộp cho ông Ngọc hơn 600 triệu nhưng hiện nay vẫn chưa thể xuất cảnh."
 |
Trụ sở Công ty Cổ Phần VietBright. |
Khi chúng tôi tìm đến Công ty Cổ phần VietBrigth để làm rõ sự việc, thì Giám đốc Trịnh Anh Ngọc không có mặt. Ông Nguyễn Tiến Đồng, Trưởng ban Kiểm soát của Công ty Cổ phần VietBrigth cho biết: “Công ty được Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cấp phép được đưa NLĐ đi XKLĐ tại Hàn Quốc. Bên cạnh đó, công ty còn trực tiếp ký hợp đồng đưa NLĐ sang Hàn Quốc với một số công ty của Hàn Quốc”. Tuy nhiên, khi phóng viên đề nghị được cung cấp giấy phép của Cục Quản lý lao động ngoài nước thì vị trưởng ban kiểm soát này không xuất trình được. Tiếp đó ông Đồng trả lời là không muốn nói vấn đề này và lớn tiếng yêu cầu phóng viên ra khỏi công ty.
Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, bà Trần Thị Vân Hà, Trưởng phòng Thông tin-Truyền thông, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH cho biết: "Đối với tên công ty được nêu trong đơn tố cáo của công dân, chúng tôi khẳng định công ty này không được Cục Quản lý lao động ngoài nước cấp phép đưa NLĐ sang thị trường Hàn Quốc. Người dân khi liên hệ với một công ty không có chức năng đưa NLĐ ra nước ngoài thì chắc chắn là bị lừa đảo. Còn việc công ty hứa hẹn với người dân, sau khi có visa thương mại, NLĐ sang đến Hàn Quốc sẽ được chuyển đổi thành visa lao động dài hạn, thì chúng tôi khẳng định việc này là không thể thực hiện được. Người dân cần tỉnh táo, tìm hiểu kỹ thông tin trước khi giao số tiền lớn cho doanh nghiệp. Mọi thông tin về các thị trường lao động đều được chúng tôi niêm yết trên trang web chính thức www.dolab.gov.vn".
Được biết, hiện nay chỉ có 3 hình thức đưa NLĐ Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc. Thứ nhất là chương trình lao động phổ thông với visa E9. Đây là hình thức phi lợi nhuận, NLĐ chỉ phải chịu chi phí khoảng 700 USD trước khi đi. Người lao động phải vượt qua kỳ kiểm tra tiếng Hàn Quốc, sau đó được làm hồ sơ dự tuyển để chủ sử dụng lựa chọn. Thứ hai là một số doanh nghiệp đưa thuyền viên tàu cá gần bờ sang Hàn Quốc thông qua Hiệp hội Thủy sản với số lượng gần 1.000 lao động. Thứ ba là loại hình đưa lao động có tay nghề kỹ thuật cao sang làm việc tại Hàn Quốc với visa E7. Còn tất cả loại hình khác đi bằng visa du lịch, hay dạng vừa học, vừa làm đều do các doanh nghiệp tự nghĩ ra để lừa người dân thiếu hiểu biết.
Cũng theo cảnh báo của cơ quan chức năng, những chiêu trò của các doanh nghiệp có dấu hiệu lừa đảo phổ biến như: Khẳng định có người nhà làm việc ở Bộ LĐ-TB&XH, chỉ cần nộp nhiều tiền sẽ không cần học tiếng và xuất cảnh nhanh; đăng ký tên doanh nghiệp gần giống với các doanh nghiệp được cấp phép để lừa đảo NLĐ. Hiện nay, việc đưa NLĐ ra nước ngoài làm việc ở mỗi nước có điều kiện và cơ chế riêng. NLĐ cần phải tìm hiểu kỹ trước khi nộp tiền để tránh tiền mất, tật mang.
Bài và ảnh: HUYỀN TRANG - ANH THƯ