Ấy là những người vợ của cán bộ, chiến sĩ lên đơn vị thăm chồng khi người thân của mình vì nhiệm vụ mà không thể về thăm gia đình, hậu phương. Không có một con số thống kê cụ thể, nhưng trong số phụ nữ “đi tranh thủ ngược” ấy thì giáo viên, sinh viên ngành sư phạm chiếm tỷ lệ cao. Khảo sát trên mục “Tình yêu chiến sĩ” Báo Quân đội nhân dân, qua thống kê của chúng tôi cho thấy, trong số những cặp đôi đã được đăng tải trên báo thì tỷ lệ cặp đôi bộ đội-giáo viên chiếm số lượng nhiều nhất. Không chỉ những năm tháng chiến tranh mà ở thời bình hôm nay, nhiều người vẫn đồng ý với nhận định, mô hình gia đình bộ đội-giáo viên là một mô hình đẹp trong xã hội.
 |
Ảnh minh họa:VnExpress. |
Đã có nhiều giải thích cho sự kết hợp rất phổ biến mô hình bộ đội-giáo viên này dù chỉ để tham khảo chứ không mang giá trị khoa học. Mô hình bộ đội-giáo viên về đa số là những gia đình có mức sống trung bình trong xã hội, ít gia đình giàu có. Tuy vậy, đây là một mô hình đẹp và rất đáng quý bởi họ có sự bù trừ cho nhau, trong đó quan trọng nhất là sự thấu hiểu và đồng cảm. Trong các mái ấm gia đình ấy, người chồng-người quân nhân-vì tính chất đặc thù công việc thường công tác xa nhà nên ít có thời gian chăm lo, nuôi dạy con cái; cũng không có điều kiện để làm kinh tế cho gia đình. Mọi việc ở hậu phương đành trông vào người vợ tần tảo yêu thương của mình. Người vợ-người giáo viên-vốn học hành, làm việc trong môi trường có tính mô phạm cao nên thường chuẩn mực, chu đáo trong nuôi dạy con cái, chăm lo cho gia đình. Đặc biệt, họ luôn có nghị lực để vượt qua khó khăn mà dường như ít sự đòi hỏi. Về đa số, ở bất cứ đâu, những gia đình chồng bộ đội, vợ giáo viên thường là những gia đình mẫu mực trong đời sống xã hội, trong khu dân cư; con cái của họ chăm ngoan, học giỏi và biết tự lập.
Trong suốt chiều dài lịch sử các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc thời đại Hồ Chí Minh thì mô hình bộ đội-giáo viên cũng luôn được xem là hình mẫu đẹp, thủy chung, son sắt. Khi ấy, tháng năm kháng chiến dài dằng dặc, anh bộ đội vì lý tưởng của dân tộc, vì hoài bão lớn, chí làm trai, vì trách nhiệm thiêng liêng với Tổ quốc mà phải tạm biệt gia đình thân thương lên đường đánh quân xâm lược, để lại hậu phương với biết bao lo toan, trống vắng bộn bề. Ở hậu phương mà họ luôn canh cánh ấy có cha mẹ già, có đàn em thơ dại. Nếu họ đã có gia đình thì ai sẽ là người nuôi nấng, chăm lo con cái tốt nhất?
Thực tế, đa phần người phụ nữ Việt Nam trung hậu, đảm đang đều làm tốt việc đó, nhưng có lẽ người giáo viên luôn được đề cập đến nhiều nhất vì đặc thù công việc mà họ có thể làm tốt những thiên chức đó. Còn với người giáo viên, vì sao họ dễ chọn, dễ “gật đầu” với anh Bộ đội Cụ Hồ, dù thực tế hiện hữu là những tháng ngày mong ngóng, chờ đợi biền biệt đó. Thậm chí có thể là sự mong ngóng trong vô vọng. Họ chọn điều đó, có lẽ bởi trong mỗi bài giảng của mình luôn có hình tượng người chiến sĩ. Đó là những người con trai đang thực hiện lý tưởng đẹp nhất của thời đại “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù”, là giành lại độc lập, tự do cho dân tộc, bảo vệ giang sơn gấm vóc của Tổ quốc, hạnh phúc cho nhân dân. Những hình tượng ấy đã ăn sâu vào tiềm thức, không dễ lung lay, phai mờ trong tâm trí người con gái. Bởi thế, họ chọn anh Bộ đội Cụ Hồ.
Những phẩm chất đáng quý của anh Bộ đội Cụ Hồ và người giáo viên thời đại nào cũng đáng trân trọng, thời đại nào cũng được xã hội tôn vinh. Gia đình là tế bào của xã hội. Gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Những gia đình bộ đội-giáo viên đã và đang đóng góp những viên gạch vững chắc để xây dựng xã hội tốt, giáo dục nên những con người có lối sống lành mạnh, cần cù lao động, nhân ái, thủy chung, tôn trọng kỷ cương, phép nước...
NGUYỄN ANH TUẤN