Điều thú vị là khi đã hiểu rõ bản chất, cơ chế, quy trình, cách thức hoạt động thì tất cả đều có chung một nhận định: “Thành công của mô hình chính là lòng bao dung”.

Những chiến sĩ được chỉ huy Trung đoàn 48 phân công cho hội viên phụ nữ giúp đỡ đều có những vấn đề “cần quan tâm đặc biệt”, nhất là tư tưởng chưa yên tâm công tác, thường xuyên vi phạm kỷ luật, quy định của đơn vị...

Thế nhưng bằng tấm lòng bao dung, tình yêu thương của người mẹ, người chị, các hội viên phụ nữ đã giáo dục, động viên, khích lệ chiến sĩ tiến bộ, trưởng thành và có khao khát được cống hiến nhiều hơn cho đơn vị, quân đội.

Đại úy QNCN Lê Thị Thùy An Trung đoàn 48, Sư đoàn 320 (Quân đoàn 3) động viên Binh nhất Dương Văn Trung khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ. Ảnh: qdnd.vn 

Lòng bao dung là truyền thống, nét đẹp văn hóa của dân tộc Việt Nam được hun đúc qua mấy nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Chúng ta không chỉ bao dung với đồng bào mình mà cả với kẻ thù xâm lược khi đã bại trận, thất thế. Nhân dịp Giáng sinh năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho tù binh Pháp với lời nhắn nhủ: “Nhân dân Việt Nam xem các bạn như những người bạn và tìm mọi cách để cuộc sống các bạn được tốt hơn”.

Người cũng từng căn dặn: “Năm ngón tay cũng có ngón vắn ngón dài. Nhưng vắn dài đều họp nhau lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ. Ta phải nhớ rằng đã là con Lạc cháu Hồng thì ai cũng có ít nhiều lòng ái quốc. Đối với đồng bào lạc lối lầm đường, ta phải lấy tình thân ái mà cảm hóa họ”.

Thực tế một số vụ việc vi phạm kỷ luật ở đơn vị cơ sở thời gian qua có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân cán bộ chưa thật sự bao dung với cấp dưới và chiến sĩ của mình. Cách giải quyết của cán bộ quản lý, chỉ huy còn nặng về mệnh lệnh hành chính mà thiếu sự cảm thông, chia sẻ. Khi cấp dưới và chiến sĩ có khuyết điểm, chưa tìm hiểu kỹ nguyên nhân đã vội quy kết, xử lý.

Thậm chí vẫn còn những hiện tượng “quân phiệt mồm”, “thù dai”, “phê bình người, chứ không phê bình việc”, làm cho cán bộ, chiến sĩ từng có khuyết điểm nhụt chí phấn đấu và có người đã không vượt qua được mặc cảm, lún sâu vào khuyết điểm, lỡ mất cơ hội thăng tiến, trưởng thành.

Thấm nhuần lời dạy sâu sắc của Bác Hồ kính yêu và để đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị trong giai đoạn mới, thiết nghĩ cấp ủy, chỉ huy các cấp cần coi trọng giáo dục, bồi dưỡng đạo đức, nhân cách, lòng bao dung cho đội ngũ cán bộ.

Đó là phương pháp, tác phong làm việc gần gũi bộ đội; thương yêu, thấu hiểu, nắm chắc hoàn cảnh gia đình, mối quan hệ xã hội của cán bộ, chiến sĩ; khéo léo quan sát các hành vi, cử chỉ, thái độ, lời nói, lễ tiết, tác phong thông qua hoạt động thực tiễn và cùng làm, cùng sẻ chia như người anh, người chị, người bạn của bộ đội; xử lý kỷ luật nghiêm minh, chính xác, kịp thời nhưng cũng phải bao dung, giúp đỡ cán bộ, chiến sĩ vi phạm khuyết điểm tiến bộ.

Cương quyết đấu tranh, ngăn chặn những tác động tiêu cực của mặt trái kinh tế thị trường làm hoen ố, xói mòn tình cảm đồng chí, đồng đội; những hiện tượng tạo uy tín giả, xa rời cấp dưới, quan liêu, hách dịch, vô cảm...

Lòng bao dung là một biểu hiện của nhân cách, đạo đức con người. Đó cũng chính là phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, là nguồn cội xây đắp tình cảm đồng chí, đồng đội cao quý, trong sáng, thấm đượm tính nhân văn và tình yêu thương con người. Đó cũng là động lực để bộ đội ta vượt qua khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

NGUYỄN ANH SƠN