Hành vi này không chỉ gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước ngầm, không khí mà còn làm suy giảm chất lượng môi trường sống, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng, phá vỡ mỹ quan đô thị, nông thôn.

Dù hệ thống quản lý và chính quyền các cấp đã được kiện toàn, nhưng việc giám sát, phát hiện, xử lý các vụ việc đổ trộm rác, chất thải hiện nay vẫn còn hạn chế. Không ít trường hợp vi phạm xảy ra vào ban đêm tại các khu vực giáp ranh, vùng ven đô, nơi vắng người qua lại. Thực tế này đặt ra yêu cầu cấp thiết về sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền với lực lượng công an, thanh tra môi trường, tổ dân phố và người dân trong giám sát, phát hiện hành vi vi phạm.

 Ảnh minh họa: tuoitre.vn

Để chấm dứt tình trạng này, trước hết, cần rà soát, lắp đặt hệ thống camera giám sát tại các điểm có nguy cơ cao; tăng cường tuần tra đột xuất, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm. Các địa phương nên phát huy mô hình “mắt dân, tai dân” trong phát hiện, tố giác hành vi đổ trộm rác thải. Đồng thời, cần công khai đường dây nóng tiếp nhận phản ánh và có chính sách khen thưởng kịp thời đối với người cung cấp thông tin chính xác về hành vi hủy hoại môi trường.

Bên cạnh đó, chế tài xử lý cần đủ sức răn đe như: Rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về xử phạt hành chính đối với hành vi này theo hướng tăng nặng, thậm chí có thể quy định tịch thu cả phương tiện vi phạm. Cần xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những hành vi gây hậu quả nghiêm trọng. Quan trọng hơn, cần chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường trong toàn cộng đồng, lấy người dân làm trung tâm trong cuộc chiến chống đổ trộm rác thải, chất thải. Bảo vệ môi trường chính là bảo vệ sức khỏe, tương lai của mỗi gia đình và xã hội.

NGUYỄN HỒNG SÁNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Cùng bàn luận xem các tin, bài liên quan.