Đây là câu chuyện thành công của ba kỹ sư người Pháp, gồm Adrien Antenen, Michel Delain và Arnaud Chaulet khi trở thành những người tìm kiếm kim loại thời hiện đại. Họ phát hiện ra một mỏ khai thác mới để lấy ra không phải vàng hay bạc, mà là nhôm, đồng hoặc kẽm - những loại khoáng sản có nhu cầu ngày càng tăng.
Trước đó, năm 2012, khi đang là những công chức mẫn cán, Adrien Antenen, Michel Delain và Arnaud Chaulet quyết định nghỉ việc để thành lập công ty. Đây là một câu chuyện khá kinh điển trong thế giới khởi nghiệp. 3 kỹ sư có tay nghề cao đã cùng nhau thành lập công ty Cyclamen hoạt động trong lĩnh vực môi trường.
 |
Cyclamen phát hiện ra nhiều kim loại như nhôm, đồng, kẽm có trong tro của rác thải sau khi đốt. Ảnh: DR |
Ban đầu, Cyclamen chuyên tái chế đất hiếm trong nam châm và thu hồi kim loại quý từ chất thải. Tuy nhiên, họ sớm nhận thất bại. "Chúng tôi hết tiền và phải bán những vật liệu không mong muốn”, CEO của Cyclamen, ông Arnaud Chaulet, ngậm ngùi nhớ lại.
Thất bại không làm những kỹ sư này nản chí. Với sự hợp tác của tổ chức sinh thái Citeo, các kỹ sư của Cyclamen phát hiện ra rằng, bao bì, rác thải điện tử hoặc nắp hộp sữa chua khi đưa vào lò đốt cùng với rác thải nói chung đã không được đốt cháy hoàn toàn. Và không giống như kim loại đen có thể dễ dàng loại bỏ bằng nam châm, thì nhôm, đồng hoặc kẽm khó loại bỏ hơn.
Arnaud Chaulet giải thích: "Một số nhà khai thác loại bỏ những kim loại này mà không tái chế vì chúng cản trở quá trình chuyển đổi clinker thành đá vụn. Những người khác để chúng ở đó với nguy cơ bị oxy hóa trong đá vụn và làm biến dạng đường sá". Bằng cách nghiên cứu chủ đề này, Cyclamen đã phát hiện ra rằng lượng cặn trong clinker - phần còn lại sau khi đốt - có thể lên tới 50.000 tấn ở Pháp và tăng gấp đôi ở Đức!
Sau nhiều năm nghiên cứu và phát triển, Cyclamen đã triển khai mô hình cải tiến mới để khai thác nguồn tài nguyên phong phú này trong chất thải dựa trên hai hoạt động riêng biệt: Chiết xuất kim loại màu từ clinker bằng 3 nhà máy di động di chuyển và một nhà máy cải tiến để phân loại kim loại, đặt tại tỉnh Moselle thuộc vùng Grand Est của Pháp.
Mỗi nhà máy di động có thể được vận chuyển từ địa điểm này sang địa điểm khác bằng 5 xe tải. Chúng bao gồm một máy nạp, một màn hình lớn và nhiều bộ phận khác để tạo ra dòng điện xoáy nhằm tách kim loại ra khỏi tro. "Đây là một công nghệ rất cũ nhưng nổi tiếng và rất khó để được cài đặt phù hợp", CEO của công ty cho biết. Bằng cách tăng mật độ của kim loại màu, người ta có thể tách chúng ra khỏi chất trơ. Điều này cho phép Cyclamen chiết xuất 80% kim loại màu từ tro đốt. Lượng clinker còn lại được bán dưới dạng đá vụn có độ tinh khiết cao.
Sau đó, những kim loại này, vốn có thành phần hợp kim không đồng nhất, được đưa đến nhà máy Moselle. Công nhân sẽ sử dụng tia X-quang để phân tích chính xác thành phần của chúng. Cyclamen đã phát triển phần mềm riêng, sử dụng dữ liệu lớn, cho phép phân loại chính xác các kim loại này theo hàng chục kịch bản phức tạp, nhằm chia chúng thành các nhóm đồng nhất nhất có thể. "Một số hợp kim thu được tinh khiết đến mức các nhà sản xuất có thể sử dụng trực tiếp mà không cần trải qua giai đoạn đúc. Điều này tiết kiệm hơn và sinh thái hơn", Arnaud Chaulet cho biết.
Kể từ khi thành lập, các nhà máy di động của Cyclamen đã xử lý tro từ 20 lò đốt, tương đương với khối lượng chất thải của khoảng 12 triệu người Pháp thải ra. Mỗi tháng, công ty có thể sản xuất khoảng 700 tấn nhôm - chiếm 55 đến 65% kim loại màu được tìm thấy - và 200 đến 300 tấn vật liệu khác, bao gồm hợp kim đồng, thép không gỉ và thậm chí một số kim loại quý từ rác thải điện tử. Chỉ sau 3 năm hoạt động, tăng trưởng của Cylamen tăng 400%, doanh thu năm 2024 đạt 24 triệu euro. Điểm đặc biệt là công ty không huy động bất kỳ khoản vốn nào và 3 nhà sáng lập nắm giữ 100% vốn.
Cyclamen có 50 nhân viên và đang có mặt tại một số quốc gia châu Âu. Hiện công ty lên kế hoạch thành lập một nhà máy mới ở miền Nam nước Pháp để tiếp tục hành trình khai thác các vật liệu có giá trị từ tro của rác thải, đồng thời hướng tới việc mở rộng hoạt động ở các nước Nam Âu.
HOÀNG ĐĂNG
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.