Bằng tình yêu thương của người mẹ, người chị dành cho chiến sĩ, các hội viên phụ nữ đã động viên, giáo dục nhiều chiến sĩ yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Binh nhất Dương Văn Trung, chiến sĩ Trung đội 8, Đại đội 7 (Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 48) là người ăn chay, sống khép kín nên những ngày đầu nhập ngũ gặp rất nhiều khó khăn, mức độ hoàn thành nhiệm vụ thấp. Ngoài những biện pháp giáo dục, quản lý triển khai theo các cấp, Trung đoàn 48 còn phân công Đại úy QNCN Lê Thị Thùy An, nhân viên nấu ăn Tiểu đoàn 2 giúp đỡ Trung ổn định tư tưởng, tâm lý, khắc phục khó khăn.
 |
Đại úy QNCN Lê Thị Thùy An tâm sự, động viên Binh nhất Dương Văn Trung khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ. |
Chị An cho biết: “Nhận nhiệm vụ đơn vị giao, tôi đã tìm mọi cách tiếp cận để nắm tư tưởng và hiểu rõ về hoàn cảnh cụ thể của Trung. Lúc đầu Trung không những không mở lòng mà còn tỏ ra khó chịu, né tránh. Nhưng rồi bằng tình cảm chân thành của một người mẹ, người chị muốn con em mình tiến bộ, trưởng thành, tôi dần dần thuyết phục được Trung. Trung chia sẻ, do bị tai nạn giao thông nên có những sang chấn tâm lý nhất định, không muốn tiếp xúc với mọi người và chuyển sang ăn chay...”.
Khi đã hiểu rõ, Đại úy QNCN Lê Thị Thùy An vạch kế hoạch với những việc làm cụ thể để động viên, hỗ trợ như: Phân tích cho Trung hiểu rõ nhiệm vụ, môi trường quân đội, đơn vị; kỷ luật tự giác nghiêm minh và quá trình rèn luyện của người chiến sĩ... Đồng thời, dành nhiều thời gian hỗ trợ Trung tăng gia sản xuất, động viên Trung tham gia các hoạt động thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ của đơn vị và trở lại ăn uống bình thường như mọi người.
“Tôi có thể tiếp tục công tác, hoàn thành nhiệm vụ là nhờ sự quan tâm, tạo điều kiện của lãnh đạo, chỉ huy đơn vị cùng sự giúp đỡ của chị An. Chị đã góp phần giúp tôi hiểu ra những điều tốt đẹp, ý nghĩa trong quân đội, trong cuộc sống”, Binh nhất Dương Văn Trung trải lòng.
Còn nhiều câu chuyện nhân văn, cảm động về tình đồng chí, đồng đội mà chúng tôi ghi nhận được khi tìm hiểu về mô hình “Một hội viên phụ nữ-Một quân nhân”. Đại úy QNCN Nguyễn Thị Lý, nhân viên nấu ăn Tiểu đoàn 1 tự hào kể về Binh nhất Phạm Đình Đạt, chiến sĩ Trung đội 6, Đại đội 6, Tiểu đoàn 2-người được chị kèm cặp, giúp đỡ suốt 3 tháng huấn luyện chiến sĩ mới và hiện đang học lái xe BMP-1: “Không ai tin là Đạt có thể đăng ký đi học lái xe BMP-1 với quyết tâm được cống hiến nhiều hơn cho quân đội. Thời gian mới nhập ngũ, Đạt không thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Khi Đảng ủy, chỉ huy trung đoàn phân công giúp Đạt, tôi gặp rất nhiều khó khăn do hai chị em ở hai tiểu đoàn khác nhau. Tôi phải thu xếp công việc của đơn vị cùng gia đình một cách khoa học, tận dụng tối đa giờ nghỉ, ngày nghỉ để nắm bắt tư tưởng, động viên, hỗ trợ để Đạt từng bước thay đổi. Với tôi, công việc này ngoài nhiệm vụ còn là tình cảm, trách nhiệm của người đảng viên, của thế hệ đi trước đối với chiến sĩ”.
Mô hình “Một hội viên phụ nữ-Một quân nhân” được Trung đoàn 48 triển khai từ đầu năm 2021 và đã lựa chọn, giao nhiệm vụ cho 8 hội viên phụ nữ theo dõi, giúp đỡ 8 chiến sĩ cần quan tâm đặc biệt của Tiểu đoàn 2, Tiểu đoàn 3 để rút kinh nghiệm. Kết quả mang lại rất khả quan, 8 chiến sĩ được giúp đỡ thời gian đầu chưa sẵn sàng, chưa yên tâm công tác, có nhiều khuyết điểm, song qua quá trình giúp đỡ, điều rất đáng mừng là các chiến sĩ đã thay đổi nhận thức, tiến bộ từng ngày. Tới đây, trung đoàn sẽ tổng kết, tập huấn, nhân rộng mô hình trong toàn đơn vị.
Theo Trung tá Đinh Ngọc Tới, Phó chính ủy Trung đoàn 48, thực tế cho thấy, đây là cách làm hay trong nắm, quản lý, giải quyết vấn đề tư tưởng ở đơn vị cơ sở, dựa trên nguyên tắc “5 chủ động” (chủ động: Nắm, quản lý, dự báo, định hướng, giải quyết tư tưởng) và bản chất, truyền thống của Quân đội ta. Thành công của mô hình xuất phát từ sự quan tâm lãnh đạo, tổ chức thực hiện chặt chẽ của cấp ủy, chỉ huy các cấp, của cơ quan chính trị, hội phụ nữ.
Mặt khác, mô hình được xây dựng bài bản, khoa học, triển khai thực hiện theo 4 bước: Xây dựng kế hoạch phân công mỗi hội viên giúp đỡ một quân nhân; bồi dưỡng nội dung, phương pháp hoạt động cho hội viên; tổ chức duy trì mô hình và sơ kết rút kinh nghiệm. Bằng những phương pháp mềm dẻo, linh hoạt, các hội viên phụ nữ đã phối hợp tốt với chỉ huy đơn vị, gia đình quân nhân tiến hành công tác giáo dục những chiến sĩ cần quan tâm đặc biệt một cách hiệu quả, góp phần quan trọng xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”.
Bài và ảnh: NGUYỄN ANH SƠN