Như vậy, từ năm 1998 đến nay, kỳ thi tốt nghiệp THPT đã nhiều lần thay đổi về tên gọi, cách thức tổ chức, môn thi, hình thức thi và mục đích sử dụng kết quả. Qua 25 năm, đây là lần thứ hai môn Ngoại ngữ là môn không bắt buộc. Việc giảm số môn thi sẽ giảm tốn kém, căng thẳng nhưng cũng có ý kiến cho rằng sẽ giảm động lực học tập của học sinh. Đặc biệt, ở nhiều nhà trường có thể sẽ cắt giảm bớt tiết môn học không thi dẫn tới không thực hiện đủ chương trình. Lo lắng này không phải không có cơ sở trong bối cảnh chất lượng dạy và học Ngoại ngữ vốn đã trồi sụt giữa các địa phương thì nay nếu không bắt buộc thi có thể khoảng cách sẽ còn xa hơn nữa và tụt dốc ở một số địa phương khó khăn. Hay tình trạng học sinh sợ học môn Lịch sử, nếu không thi thì môn học sẽ bị lơ là...

leftcenterrightdel

Phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố giúp nhiều học sinh cởi bỏ được áp lực. Ảnh minh họa

Trước hết, chúng ta thấy rằng ở Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Ngoại ngữ là môn học bắt buộc từ lớp 3 cho đến lớp 12 và tiếp tục được quy định bắt buộc ở bậc đại học, cao đẳng. Kết quả học tập môn Ngoại ngữ ở các bậc học này có ý nghĩa quan trọng ngay trong quá trình học tập mà không phụ thuộc vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Kết quả môn Ngoại ngữ rất chênh lệch giữa các khu vực là do sự khác biệt về cơ sở vật chất và việc đầu tư cho môn học. Dù có là môn thi bắt buộc với mọi học sinh nhưng nếu không tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất và con người thì kết quả học Ngoại ngữ vẫn khó được cải thiện. Xoay quanh câu chuyện môn Lịch sử, nếu không thay đổi chương trình, phương pháp dạy thì sự ép buộc khô cứng sẽ phản tác dụng, khiến học sinh ngày càng sợ môn học hơn. Thay vì bắt buộc, cần làm cho môn Lịch sử thấm vào học sinh, khơi dậy và khuyến khích các em tự tìm hiểu mới là cách làm tích cực.

Điểm khác của kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 là thí sinh có 36 cách lựa chọn các môn thi. Cùng với đó, mục đích của kỳ thi nhằm đánh giá đúng kết quả của người học theo mục tiêu và chuẩn cần đạt của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Nghĩa là, kỳ thi hướng đến yêu cầu cần đạt là phẩm chất, năng lực của học sinh chứ không chỉ đơn thuần là thiên về kiến thức, kỹ năng như hiện nay. Như vậy, học không phải để thi hay thi để học.

Chỉ khi xem thi cử là khâu tất yếu của quá trình học, không phải mục đích cuối cùng của việc học thì người học mới có hứng thú, động cơ học tập đúng. Người dạy nhờ đó cũng tự tin, sáng tạo trong giảng dạy. Để việc đổi mới trong kiểm tra, đánh giá học sinh thành công còn phụ thuộc vào việc thay đổi nhận thức của xã hội về quan niệm chất lượng giáo dục. Đích cuối cùng của việc dạy-học không chỉ ở chỗ học sinh học cái gì, mà quan trọng là các em có kỹ năng, làm được gì sau việc học đó.

THÁI AN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Cùng bàn luận xem các tin, bài liên quan.