Tháng 7 năm ngoái, phát biểu trong phiên họp đầu tiên sau khi nhậm chức, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã xác định rõ mục tiêu xây dựng chính phủ mới là: “Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân”. Hơn một năm qua, Chính phủ đã tập trung cố gắng cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, lực lượng chính làm nên sự phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, quyết tâm của Chính phủ có đến được với cộng đồng doanh nghiệp hay không lại phải có sự chuyển động của các bộ, ngành và địa phương. Tệ nhũng nhiễu doanh nghiệp đã phổ biến ở không ít cơ quan quản lý Nhà nước nhiều năm qua, cộng thêm những "sáng kiến" của các ngành, địa phương tận thu của doanh nghiệp và người dân đang gây thêm khó khăn, tăng chi phí tiền của, thời gian và làm phức tạp thêm việc kinh doanh của doanh nghiệp. Thủ tục hành chính, các “giấy phép con” được xem là những rào cản khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn. Chính vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam vô cùng phấn khởi khi đón nhận Quyết định số 3610a/QĐ-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành cuối tháng 9 vừa qua, cắt giảm 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh. Con số này chiếm khoảng 55,5% tổng số điều kiện kinh doanh của 27 nhóm ngành hàng.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa/ TTXVN. 

Sau “phát súng mở màn” của Bộ Công Thương, nhiều bộ, ngành, địa phương khác cũng đã và đang vào “chiến dịch” cắt giảm điều kiện đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp. Tuần trước, Bộ Khoa học và Công nghệ chính thức tuyên bố sẽ “phát quang rừng thủ tục về thanh tra, kiểm tra”,  khẩn trương xây dựng các quy chuẩn quốc gia, tháo gỡ khó khăn cho hàng hóa xuất nhập khẩu…  

Tuần này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục công bố các phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm các “giấy phép con”, góp phần tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp. Chỉ tính riêng hoạt động kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật theo phương án mới này sẽ giảm khoảng 654,4 tỷ đồng, kiểm dịch thực vật giảm khoảng 178,1 tỷ đồng mỗi năm.

Hiệu ứng đáng mừng từ Chính phủ và Bộ Công Thương đang lan tỏa. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế và chuyên gia pháp luật, để hiệu ứng này tiếp tục lan tỏa rộng khắp trong xã hội và trở thành động lực thực sự cho nền kinh tế thì điều quan trọng nhất là phải hoàn thiện cơ chế, chính sách đồng bộ, nhất quán, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh an toàn, ít rủi ro, cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng theo cơ chế thị trường. Nếu chỉ có Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cắt giảm điều kiện kinh doanh thì hàng hóa xuất nhập khẩu vẫn có thể bị ách tắc vì các thủ tục của các bộ, ngành khác. Nếu không có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các địa phương thì kiến nghị của doanh nghiệp vẫn có thể bị “giam” tại các ngăn kéo, tủ làm việc của công chức… Vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn Chính phủ cần có những quy định cụ thể, chế tài cụ thể để các bộ, ngành, UBND các địa phương phải tiếp tục rà soát, đánh giá, đề xuất bãi bỏ điều kiện kinh doanh hiện hành trong lĩnh vực quản lý và thủ tục hành chính, đang gây cản trở, khó khăn cho hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời, các cơ quan này cũng phải tổ chức đối thoại công khai với cộng đồng doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Mặt khác, việc cắt bỏ điều kiện kinh doanh nếu không đi kèm việc thay đổi về thể chế thì chỉ một thời gian sau, điều kiện kinh doanh sẽ biến tướng trở lại dưới những hình thức khác. Nếu không kiểm soát chặt chẽ thì sau khi cắt bỏ “giấy phép con”, các loại “giấy phép cháu” sẽ mọc ra…

Vấn đề mấu chốt để hiệu ứng đáng mừng nói trên lan tỏa là đội ngũ cán bộ công chức thực thi nhiệm vụ. Không chỉ cắt giảm thủ tục điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính mà bộ máy của các cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần chấn chỉnh lại, phải loại ngay những cán bộ công chức “hành dân” ở các cơ quan này.

ĐỖ PHÚ THỌ