Thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị rầm rộ tổ chức lễ phát động và tập huấn, hướng dẫn cán bộ, nhân viên thực hiện nội dung này. Tuy nhiên, việc nâng cao tri thức số trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức vẫn còn hạn chế và thực tế phổ cập tri thức số cho nhân dân (nhất là ở vùng sâu, vùng xa và người lớn tuổi) càng gặp nhiều khó khăn.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu triển khai phong trào giúp đồng bào biên giới chuyển đổi số bằng cách tặng hộ nghèo điện thoại thông minh và hướng dẫn nhân dân dùng các dịch vụ số. Ảnh: CTV 

Trong thực hiện Phong trào “Bình dân học vụ số”, bước đầu đã xuất hiện những cách làm hay, như Bộ đội Biên phòng giúp đồng bào biên giới “xóa mù” về CĐS bằng cách đến các bản làng hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng các dịch vụ số thiết yếu, dịch vụ công trực tuyến, có đơn vị còn vận động mua điện thoại thông minh tặng hộ nghèo; một số địa phương tổ chức tập huấn về CĐS cho học sinh, đoàn viên, thanh niên để giới trẻ sẽ “làm thầy” hướng dẫn cho ông bà, cha mẹ, anh chị... Thực tế cho thấy, việc phát huy vai trò đội ngũ “thầy trẻ” rất hiệu quả trong “xóa mù” về CĐS, vì đây là sở thích, sở trường của giới trẻ và sẽ nhanh chóng lan tỏa tới mọi nhà.

Để tạo đột phá phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và CĐS quốc gia theo Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, những cách làm hiệu quả như trên rất cần được vận dụng, nhân rộng. Bởi, muốn CĐS thành công thì toàn dân cần sớm được phổ cập tri thức số, nắm bắt và làm chủ công nghệ, từ đó có khả năng tham gia vào nền kinh tế số, xã hội số. Nếu chỉ bộ máy nhà nước tiến hành CĐS mà nhiều người dân không biết ứng dụng thì cũng không mang lại hiệu quả... 

LÂM SƠN 

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Cùng bàn luận xem các tin, bài liên quan.