Bạn bảo ở nước bạn mọi lỗi vi phạm giao thông đều có camera ghi lại, muốn đôi co thì mời ra tòa.

Mới đây, để hạn chế tối đa việc tranh luận giữa CSGT và người vi phạm trên đường, Phòng CSGT đường bộ-đường sắt, Công an TP Hồ Chí Minh đã triển khai kế hoạch tăng cường sử dụng các thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong xử lý vi phạm. Việc “nói có sách, mách có chứng” không chỉ giúp cảnh sát đỡ đau đầu trong việc chứng minh vi phạm, mà khiến người điều khiển phương tiện phải thay đổi tư duy tham gia giao thông. Bóng đá còn có công nghệ VAR giám sát, thì tại sao giao thông lại không!

Ảnh minh họa / qdnd.vn 

Hiện tượng “lời qua, tiếng lại” giữa CSGT và người vi phạm giao thông khi xảy ra sự việc có rất nhiều nguyên nhân. Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định người có thẩm quyền xử phạt phải chứng minh được hành vi vi phạm, nên một số trường hợp người vi phạm dựa vào đó để làm khó lực lượng thực thi nhiệm vụ. Có nhiều người vượt đèn đỏ hay lấn làn, khi bị CSGT lập biên bản, họ không tuân theo mà nhất định đòi CSGT phải chứng minh được hành vi vi phạm.

Nếu trong trường hợp ở đó có camera giám sát giao thông hay có người làm chứng thì vụ việc sẽ được giải quyết nhanh chóng, còn không sẽ dẫn đến cuộc tranh cãi kéo dài giữa người dân và lực lượng thực thi nhiệm vụ. Nhiều khi sự thật chưa kịp sáng tỏ, vô hình trung đã tạo nên hình ảnh phản cảm về người đại diện hành pháp và thói quen coi thường luật pháp của người vi phạm.

Không chỉ trong giao thông, lâu nay nhiều người Việt có thói xấu hễ bị nhắc nhở, chưa cần biết căn cớ từ đâu, hậu quả ra sao, diễn biến thế nào, phản ứng đầu tiên là đôi co, cự cãi. Nhiều người cứ nghĩ rằng “kẻ to mồm” sẽ là người chiến thắng. Thắng không căn cứ trên sự đúng, sai khiến người ta không cần lý lẽ, cứ nói bừa, nói ngang, theo kiểu “một người nói ngang cả làng không lại”.

Đây là một căn bệnh có tính truyền thống, bắt nguồn từ lối sống duy tình, thiên về cảm tính chủ quan nên sự phân biệt phải trái không rõ ràng, hễ người nào dùng lý lẽ cãi được thì có thể người đó thắng. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, chuyện cãi vã giữa người dân và người thi hành pháp luật sẽ ít có cơ hội xảy ra nếu mọi việc được thực hiện công khai, minh bạch và đúng luật. Đã không ít cán bộ thiếu hiểu biết và lạm quyền khiến người dân bức xúc.

Câu chuyện gây xôn xao dư luận năm ngoái của một cán bộ ở phường Vĩnh Hòa, TP Nha Trang (Khánh Hòa) phát ngôn “bánh mì không phải mặt hàng thiết yếu” tại một chốt kiểm soát dịch Covid-19 là một ví dụ điển hình về sự thiếu chuẩn mực, làm méo mó hình ảnh của cán bộ thực thi công vụ, càng làm người dân có thêm lý do để chống đối mỗi khi bị bắt lỗi.

Rõ ràng, khi người thực thi công vụ bình tĩnh, xử lý đúng quyền hạn, trách nhiệm, ứng xử có văn hóa, cộng với sự hỗ trợ của kỹ thuật sẽ giúp họ thực hiện nhiệm vụ thuận tiện hơn. Cùng với đó, nhờ có công cụ “VAR” cũng giúp giảm bớt sự nhũng nhiễu của một số cán bộ với dân. Còn người dân khó có thể ỷ lại vào “sự quen biết” nào đó để coi thường kỷ cương phép nước, văn hóa nơi công cộng.

Những vi phạm từ đó mà hạn chế đáng kể, góp phần giữ gìn hình ảnh văn hóa của người thực thi công vụ. Mặt khác, khi mọi người dân đều hiểu biết và thượng tôn pháp luật, tôn trọng văn hóa ứng xử nơi công cộng cũng góp phần thúc đẩy những người thực thi pháp luật phải đề cao đạo đức, trách nhiệm công vụ khi tiếp xúc và giải quyết công việc liên quan đến người dân. 

THU HÀ