Thật đáng buồn khi ở tuổi 12, lẽ ra cháu phải được quan tâm, chăm lo để phát triển toàn diện chứ không phải chịu áp lực học tập nặng nề để rồi đi đến quyết định hết sức bồng bột, thương tâm.

Bậc làm cha mẹ ai cũng mong muốn và tự hào khi con em mình học giỏi. Thế nhưng, nếu kỳ vọng một cách thái quá dễ khiến cha mẹ trở nên ích kỷ và tạo áp lực lớn cho con em. Thực tế, chỉ vì sĩ diện với bạn bè, đồng nghiệp hay để có vài bức ảnh khoe thành tích học tập của con em mình, không ít phụ huynh đã ép con mình học ngày học đêm, chẳng ngại mắng mỏ, so sánh con mình với con nhà người khác, tỏ thái độ thất vọng thay vì động viên, chia sẻ với con khi con bị điểm kém...

Học sinh đi thi. Ảnh: VTV 

Những năm qua, ngành giáo dục đã có nhiều phương án, đề án giảm tải chương trình, tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc giảm tải mới chỉ giảm về thời lượng học trên lớp chứ chưa đi vào thực chất, nhất là với học sinh các cấp học phổ thông, khiến tình trạng dạy thêm, học thêm vẫn diễn ra tràn lan, trẻ ít có thời gian vui chơi, vận động...

Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú Phạm Xuân Khánh, phụ trách Trường Cao đẳng Nghề chất lượng cao Hà Nội chia sẻ với chúng tôi về hai học sinh lớp 11 hệ vừa học văn hóa vừa học nghề của trường đã đoạt giải Nhất, giải Nhì tại kỳ thi kỹ năng nghề Quốc gia 2021.

Theo ông, cơ hội nghề nghiệp tốt đối với hai em là rất lớn và bố mẹ các em đã rất dũng cảm khi cho các em đi học nghề sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở theo đúng khả năng của các em, thay vì thi vào trung học phổ thông rồi đại học. Câu chuyện này gợi mở nhiều vấn đề đáng quan tâm. Mỗi lứa tuổi, học sinh lại có những suy nghĩ, mong muốn, sở thích riêng.

Vì thế, cha mẹ cần quan tâm, đồng hành và tôn trọng, định hướng giúp các em có lựa chọn đúng đắn, có thêm động lực để phát huy tốt sở trường, năng khiếu; không nên áp đặt suy nghĩ cá nhân, ép các em phải đi theo con đường do mình định sẵn khiến các em chán nản, bị áp lực. Trong bối cảnh hiện nay, đất nước rất cần nguồn lực có tay nghề cao nên ngành giáo dục cùng các ngành, các cấp, các địa phương cần tăng cường tuyên truyền để phụ huynh, học sinh thay đổi nếp nghĩ cũ, lựa chọn con đường học tập mới, chọn hướng lập nghiệp phù hợp khả năng, năng lực của mình.

Song song với đó là tiếp tục cải cách, giảm tải chương trình học theo hướng giảm thời gian học lý thuyết, bỏ các nội dung không thực sự cần thiết, tăng thời lượng thực hành, các môn năng khiếu, kỹ năng sống, giúp trẻ có nhiều thời gian vui chơi, vận động, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay. Khi thi cử phải tránh áp lực và lấy thực chất làm mục tiêu đánh giá.

Giảm tải áp lực học tập, thi cử cho học sinh không khó. Điều quan trọng là các bậc phụ huynh và những người có trách nhiệm phải dũng cảm, quyết tâm thay đổi tư duy, suy nghĩ và hướng về con trẻ.

NGUYỄN ĐỨC TUẤN