Thay vì chia sẻ về sự thiệt thòi, tủi phận, những thanh niên khuyết tật tiêu biểu được vinh danh dành nhiều lời cảm ơn sâu sắc tới sự đồng hành của các tổ chức, đoàn thể, cá nhân và biết ơn cuộc đời dù sống trong hình hài không trọn vẹn.

“Cuộc sống thử thách chúng tôi phải là người khuyết tật để biết lấp đầy khiếm khuyết đó bằng trái tim đầy ắp yêu thương"; "chúng tôi thêm trân quý cuộc sống nhờ thực hành và nuôi dưỡng lòng biết ơn mỗi ngày”. Chia sẻ đó của những “vầng trăng khuyết” như chạm đến tận cùng miền cảm xúc yêu thương của những ai có mặt, để rồi thêm một lần cảm nhận sâu sắc hơn giá trị của lòng biết ơn trong cuộc sống bình dị hằng ngày.

Các đại biểu tham gia giao lưu tại chương trình. Ảnh: baodantoc.vn

Lời cảm ơn, lòng biết ơn ấy của các bạn trẻ khuyết tật vươn lên với sự đồng hành, sẻ chia của cộng đồng là một trong vô vàn minh chứng cho đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của dân tộc ta được truyền từ đời này sang đời khác, thể hiện giá trị văn hóa và vẻ đẹp nhân cách của người Việt Nam. Biết ơn khi được giúp đỡ là đạo lý hiển nhiên, căn cốt ở đời; là thái độ, phẩm chất đạo đức cần có ở mỗi người.

Hầu hết người Việt Nam được giáo dục đều mang trong mình lòng biết ơn thế hệ cha anh đi trước đã hy sinh để mang lại độc lập cho đất nước, cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc hôm nay và mai sau. Trong mọi giai đoạn lịch sử, nhất là ở thời khắc khó khăn, điển hình gần đây là tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, người dân luôn được Đảng, Nhà nước, cả hệ thống chính trị chăm lo cả về sức khỏe lẫn vật chất, tinh thần.

Sự trân trọng, lòng biết ơn của người dân thể hiện bằng sự đồng lòng, chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch; đóng góp sức người, sức của để cùng cả nước chiến thắng đại dịch. Đảng, Nhà nước, các cấp, ngành chức năng ghi nhận sự chung sức của nhân dân bằng cách lắng nghe, kịp thời điều chỉnh những bất cập trong công tác phòng, chống dịch, hướng đến mục tiêu cao nhất là bảo vệ sức khỏe và tính mạng của đồng bào.

Thế nhưng, thật đáng buồn khi trong xã hội, đâu đó vẫn tồn tại những ý kiến trái chiều, thiếu văn hóa, thậm chí tráo trở, thể hiện lòng vô ơn. Những ngày gần đây, lợi dụng tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, cùng với chiêu bài cũ rích phủ nhận thành quả cách mạng của dân tộc ta, một số phần tử cơ hội đã “thời sự hóa” bằng cách lồng ghép lịch sử với thực tại công tác phòng, chống dịch.

Họ hằn học cho rằng cấp ủy, chính quyền, cả hệ thống chính trị đang lơ là, bỏ mặc người dân chìm trong đại dịch. Chẳng biết vô tình hay cố ý mà một số người quên đi sự chăm lo, những chính sách được thụ hưởng từ khi dịch bệnh xuất hiện đến nay, để rồi xuyên tạc, phủ nhận sạch trơn những nỗ lực và thành quả “chống dịch như chống giặc” của các lực lượng chức năng.

Không phải ngẫu nhiên mà công tác giáo dục truyền thống luôn được các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị coi trọng ở mọi giai đoạn lịch sử, cách mạng của dân tộc. Chỉ khi thấu hiểu, trân trọng thành quả của thế hệ đi trước, biết ơn những điều tốt đẹp được tận hưởng, mỗi chúng ta mới thực sự thấy được giá trị đích thực của cuộc sống hiện tại.

Một gia đình hay xã hội gồm những người biết ơn sẽ chan hòa yêu thương, cảm thông và chia sẻ. Văn hóa biết ơn là nền tảng cho một xã hội văn minh, nơi mọi người biết cảm ơn hay xin lỗi từ những điều hết sức cụ thể trong quan hệ ứng xử thường ngày. Lòng biết ơn còn là sự khởi nguồn, dung dưỡng cho mọi đức tính tốt đẹp khác của con người.

Một nhà văn từng nói, hãy thực hành lòng biết ơn để thấy mỗi khoảnh khắc bình thường cũng trở nên trọn vẹn! Đúng vậy, thực hành tâm biết ơn, nuôi dưỡng lòng biết ơn không chỉ là cách gìn giữ nét đẹp văn hóa tri ân mà còn là cách nuôi dưỡng cốt cách tâm hồn để sống tử tế, sống đẹp hơn mỗi ngày.

ĐÀO HỒNG