Câu hỏi vẫn thường được đặt ra bấy lâu nay là tại sao tính tuân thủ pháp luật ở nước ta lại thấp thế? Ngay từ chuyện hằng ngày như chấp hành pháp luật về giao thông, pháp luật về bảo vệ môi trường... đã cho thấy căn bệnh nhờn luật rất trầm kha, chưa nói tới những chuyện lớn hơn.
Trong khi đó, nước ta đã có đầy đủ cơ sở để bảo đảm tính tuân thủ pháp luật trong xã hội. Về cơ sở chính trị, Đảng ta đã có rất nhiều chủ trương, chính sách xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN), nêu cao tinh thần thượng tôn pháp luật, đẩy mạnh cải cách tư pháp để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ pháp luật.
Về cơ sở pháp lý, nước ta đã có hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện, đồng bộ. Về bộ máy, nước ta đã có cả cơ quan phụ trách việc phổ biến và giáo dục pháp luật, có cả hệ thống cơ quan làm nhiệm vụ bảo vệ pháp luật được tổ chức chặt chẽ từ Trung ương tới địa phương. Để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong xã hội, Đảng, Nhà nước ta cũng đã quyết định lấy ngày 9-11 hằng năm là Ngày Pháp luật Việt Nam...
 |
Ảnh minh họa: vov.vn |
Kết quả khảo sát mà GS, TS Hoàng Thị Kim Quế nêu ra cho thấy một phần rất quan trọng của câu trả lời: Yếu kém trong khâu thực thi pháp luật, cụ thể hơn là trong khâu bảo vệ pháp luật, không xử lý kịp thời các hành vi vi phạm đã làm tình trạng nhờn luật diễn ra rất phổ biến trong xã hội hiện nay, dẫn tới tính tuân thủ pháp luật trong xã hội chưa cao.
Đây là thách thức rất nghiêm trọng trong nỗ lực xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, với nguyên tắc cơ bản nhất là thượng tôn Hiến pháp, thượng tôn pháp luật, mọi hành vi vi phạm pháp luật đều phải bị và được xử lý công bằng.
Có thể kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu khoa học pháp lý có phạm vi lấy mẫu chưa đủ rộng, nhưng rõ ràng đã phản ánh tương đối sát tình hình thực tiễn.
Nếu thấy cần thiết, các cơ quan hữu quan có thể tổ chức khảo sát hoặc điều tra xã hội học trên quy mô lớn hơn, làm cơ sở để phân tích thói quen tuân thủ pháp luật của người dân và tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ pháp luật. Từ đó có giải pháp thích hợp để siết chặt kỷ cương, phép nước, tránh để tình trạng nhờn luật kéo dài thêm.
Lực lượng bảo vệ pháp luật hiện đã được tăng cường tới tận cấp cơ sở và cho từng lĩnh vực. Do vậy, nếu quy rõ được trách nhiệm cho từng tập thể, cá nhân trên từng địa bàn, lĩnh vực cụ thể còn để xảy ra nhiều hành vi vi phạm pháp luật thì sẽ hạn chế được rất nhiều tình trạng cán bộ có thẩm quyền làm ngơ, hoặc bắt tay thỏa hiệp với đối tượng vi phạm pháp luật.
Cán bộ có thẩm quyền, trách nhiệm trực tiếp duy trì tính tôn nghiêm của pháp luật mà không tôn trọng pháp luật thì rất khó bảo đảm nguyên tắc thượng tôn pháp luật.
CHIẾN THẮNG