Sáng hôm sau, tôi gác lại mọi việc, tức tốc phóng xe máy một mạch về quê. Dừng xe, vào nhà ngồi chưa nóng chỗ, chờ tôi nhấp xong ngụm trà, chị đặt vấn đề: “Cậu ạ! Vợ chồng chị có mỗi thằng con trai, giờ có giấy gọi khám tuyển nghĩa vụ quân sự (NVQS). Cậu là sĩ quan, lại quen biết rộng, xin cho cháu không phải nhập ngũ tốn bao nhiêu cậu bảo để vợ chồng chị lo”.

Chị vừa dứt lời, tôi nghiêm nét mặt và nói: “Việc này em không giúp được đâu. Luật NVQS đã quy định, công dân từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi phải thực hiện NVQS. Nếu trốn tránh, chống đối, cản trở việc thực hiện NVQS thì bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Hơn nữa, anh chị cho cháu đi NVQS để được rèn luyện, trưởng thành trong quân ngũ càng tốt chứ sao”. Nghe tôi nói xong, chị tỏ vẻ tự ái rồi buột miệng: “Cậu chỉ được cái lý sự thôi. Tôi hỏi cậu, tại sao con của các cán bộ ở xã, huyện mình hay con nhà giàu mấy năm nay có ai nhập ngũ đâu?”. Rồi chị dẫn chứng một loạt, như con ông A, bà B ở trên huyện; con ông C, bà D ở xã; con ông X, bà Y làm doanh nghiệp,…

Giáo dục truyền thống cho thanh niên trước lúc lên đường nhập ngũ năm 2019 tại quận Kiến An (Hải Phòng). 

Từ câu chuyện trên, có thể nói một thực trạng đã và đang diễn ra là bên cạnh việc các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm Luật NVQS, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ trong công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ, thường xuyên bảo đảm tốt chất lượng công dân nhập ngũ thì vẫn có nơi còn xem nhẹ công tác này. Có địa phương còn biểu hiện khoán trắng cho cơ quan quân sự hoặc thiếu kiểm tra, đôn đốc và quản lý, giám sát, dẫn đến những sai phạm, thậm chí là tiêu cực trong công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ. Việc xử lý sai phạm và các hành vi trốn tránh NVQS còn nể nang, né tránh, không kiên quyết nên diễn ra tình trạng “nhờn luật”…

Thời điểm cuối năm đang đến gần cũng là lúc các địa phương bước vào mùa tuyển quân mới, theo đó, để công tác này bảo đảm đúng luật, chất lượng thì phải tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ, thiết thực. Trước hết, mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Luật NVQS, làm cho mỗi công dân thấy rõ niềm vinh dự, tự hào, trách nhiệm của mình đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Các cấp, các ngành, cơ quan, đoàn thể tập trung giáo dục, bồi dưỡng cho thế hệ trẻ về lịch sử, truyền thống, mục tiêu, lý tưởng, khát vọng cống hiến. Ngoài ra, các nhà trường, trung tâm cần đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục quốc phòng, an ninh, trong đó coi trọng việc phổ biến, giáo dục về Luật NVQS, lý tưởng cách mạng cho học sinh, sinh viên.

Quá trình triển khai công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ, cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là ở cơ sở phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt và tăng cường kiểm tra, đôn đốc, phát huy hiệu quả vai trò của ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là hội đồng NVQS và cơ quan quân sự trong tham mưu, tổ chức triển khai thực hiện. Đề cao tính tiền phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là sự nêu gương của cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành trong tuyên truyền, vận động con em tham gia NVQS. Cùng với đó khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân, cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện tốt Luật NVQS; kiên quyết xử lý nghiêm minh đối với tổ chức, cá nhân có hành vi trốn tránh, chống đối, cản trở việc thực hiện Luật NVQS và những sai phạm, tiêu cực trong công tác tuyển quân.

Bên cạnh đó, trong thời gian tới, cơ quan chức năng nên nghiên cứu để tham mưu, đề xuất bảo đảm tốt hơn chế độ, chính sách đối với quân nhân tại ngũ và thân nhân của họ. Cần có những cơ chế phù hợp, đột phá trong giải quyết việc làm cho quân nhân xuất ngũ, thực hiện hài hòa giữa nghĩa vụ, trách nhiệm với quyền hạn, giữa cống hiến với hưởng thụ. Qua đó, công dân thấy rõ quyền lợi, nghĩa vụ của mình với Tổ quốc để xác định tốt quyết tâm, tư tưởng và yên tâm công tác khi về đơn vị đóng quân.     

Bài và ảnh: NGUYỄN THANH SANG