Ngồi trên xuồng cứu hộ của Quân đội len lỏi qua những dãy núi đá vôi và rừng rậm, chúng tôi vào tiếp tế lương thực, thực phẩm, nước uống cho bà con và không ai dám nghĩ rằng, 13 năm sau, chính nơi “rốn lũ” này trở thành “Làng du lịch tốt nhất thế giới” - danh hiệu do Tổ chức Du lịch thế giới vừa vinh danh.

Người dân đã xây dựng những homestay vốn là nhà nổi chống lũ được cải tạo, nâng cấp thành nơi lưu trú, đồng thời mở các dịch vụ kinh doanh du lịch. Chính quyền và người dân Tân Hóa đã biến sự bất lợi về thời tiết, khí hậu, địa hình thành lợi thế để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

leftcenterrightdel

Một góc dự án Cụm trang trại Điện gió B&T, Quảng Bình. Ảnh minh họa: baoquangbinh.vn 

Vùng cát trắng huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) và những thung lũng xa xôi huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đất đai cằn cỗi, nắng mưa dãi dầm và gió Lào bỏng rát. Cuộc sống nhân dân còn rất khó khăn và đến một ngày, nơi đây mọc lên nhiều chong chóng điện gió. Cơn gió Lào giờ đây dường như không còn rát bỏng như xưa nữa, mà đã làm ra năng lượng phục vụ cuộc sống. Mỗi công trình điện gió trung bình sử dụng 30-40 lao động phổ thông, trong đó có người dân địa phương, với thu nhập trung bình 6 triệu đồng/tháng, đã góp phần xóa đói, giảm nghèo...

Trên thế giới cũng có rất nhiều câu chuyện biến bất lợi thành lợi thế: Hãng cho thuê xe Avis ra đời năm 1946 khi thị phần đã bị công ty Hertz ra đời trước chiếm lĩnh. Hãng Avis biết mình bất lợi nhiều mặt nên năm 1963 đã chọn slogan “We’re No 2. We try harder” (Chúng tôi đứng thứ 2. Chúng tôi sẽ cố gắng hơn) làm phương châm hành động của công ty, đồng thời tác động vào tình cảm, tâm lý nhằm thu hút khách hàng. Giờ đây Avis đã là thương hiệu toàn cầu, nổi tiếng bậc nhất trong ngành công nghiệp cho thuê ô tô trên thế giới, với mạng lưới trải rộng tại 170 quốc gia.

Để biến bất lợi thành lợi thế, trước hết cần nhận diện và phân tích những bất lợi mà chúng ta đang gặp phải, cũng như nguyên nhân và hậu quả của chúng, từ đó đánh giá khách quan, toàn diện về tình hình hiện tại cũng như những ảnh hưởng tiềm ẩn của nó. Tìm kiếm và khai thác những lợi thế mà chúng ta có sẵn hoặc có thể tạo ra từ những bất lợi đó. Điều này đòi hỏi chúng ta phải sáng tạo, linh hoạt và chủ động trong việc tận dụng những nguồn lực, cơ hội và thế mạnh của mình. Và quan trọng nhất là lập kế hoạch, thực hiện những hành động cụ thể để biến những lợi thế đó thành kết quả thiết thực và bền vững.

Trong thực tiễn, nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức và mỗi người có thể đang lâm vào tình trạng bất lợi về lĩnh vực nào đó. Hãy bình tĩnh nhận định và đánh giá liệu có thể chuyển hóa những bất lợi đó thành lợi thế, hay ít nhất là không còn bất lợi nữa hay không.

Và ngược lại, những ai đang được lợi thế cũng đừng chủ quan khi cuộc sống thay đổi, tình hình biến chuyển, điều kiện thuận lợi có thể sẽ mất đi, thậm chí biến thành bất lợi trong nay mai...

TRẦN HOÀI

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Cùng bàn luận xem các tin, bài liên quan.