Chia sẻ tại họp báo, ông Bùi Vĩnh Thắng, Giám đốc Quốc gia tại Việt Nam của Hội đồng Năng lượng Gió Toàn cầu cho biết, Hội nghị Điện gió Việt Nam 2022 sẽ diễn ra trong hai ngày 1 và 2-12 tại Hà Nội. Đây là sự kiện do Hội đồng Năng lượng gió Toàn cầu tổ chức thường niên từ năm 2018 tới nay. Hội nghị nhằm thúc đẩy chuyển dịch năng lượng, tạo điều kiện để chính phủ và ngành điện gió thảo luận về các vấn đề cấp bách xung quanh việc phát triển năng lượng gió ở Việt Nam.
 |
Các đại biểu tham gia chia sẻ tại cuộc họp báo thông tin về Hội nghị Điện gió Việt Nam 2022-Vietnam Wind Power.
|
Hội nghị sẽ có sự tham dự của lãnh đạo Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, đại diện đại sứ quán các nước tại Việt Nam như: Đan Mạch, Na Uy, Hà Lan, Đức, Anh… cùng các doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề liên quan, các chuyên gia đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học trong nước và quốc tế.
Hội nghị sẽ thảo luận về các vấn đề chính như: Vai trò của năng lượng gió trong quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu và trong hỗn hợp năng lượng trong tương lai của Việt Nam; cơ chế thay thế để triển khai điện gió trên bờ và chiến lược phát triển điện gió ngoài khơi.
Tại họp báo, theo các chuyên gia, Hội nghị Điện gió Việt Nam 2022 sẽ mang đến cơ hội lớn để các công ty trong ngành điện gió gặp gỡ, hợp tác và xác định các cơ hội và giải pháp để thúc đẩy triển khai năng lượng gió ở Việt Nam.
Dự thảo Quy hoạch Điện VIII đặt ra mục tiêu là 7 GW điện gió ngoài khơi và 21 GW điện gió trên bờ vào năm 2030. Trong khi đó, Việt Nam là một trong những quốc gia có nguồn tài nguyên tốt nhất trên toàn cầu. Việt Nam có hệ thống cảng biển tự nhiên phù hợp cho các dự án điện gió ngoài khơi, và một lực lượng lao động có nhiều kỹ năng được chuyển giao từ lĩnh vực dầu khí. Chính phủ Việt Nam rất quan tâm tới việc tạo môi trường thuận lợi cho chuyển dịch năng lượng và phát triển năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, một lợi thế khác là Việt Nam có đường bờ biển dài và nguồn gió ngoài khơi đủ lớn.
Tại cuộc họp báo, có ý kiến cho rằng, để thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng xanh, chúng ta cần cả nguồn lực kỹ thuật và nguồn lực tài chính. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các dự án điện gió ngoài khơi, vốn rất mất nhiều thời gian và cần những khoản đầu tư lớn để thiết kế, xây dựng và thương mại hóa. Vì vậy, các doanh nghiệp trong và ngoài nước đều cần một khung thể chế ổn định. Có ý kiến đề xuất cần thiết thành lập một Ủy ban điều phối liên bộ, có thể do Bộ Công Thương chủ trì. Theo đó, Ủy ban này sẽ đẩy nhanh việc giải quyết các vướng mắc trong phát triển điện gió. Điển hình, cần sớm có về giá điện cho các dự án điện gió trên bờ…
Tin, ảnh: VŨ DUNG