Những chiếc “chong chóng” ấy không chỉ tạo ra sự mới mẻ cho cảnh núi đồi quen thuộc mà còn góp cho dòng điện quốc gia năng lượng sạch. Lợi ích của điện gió không cần nói vì nhiều người đã biết, đã rõ.

Nhưng thời gian vừa qua, không ít người dân Quảng Trị phải giật mình khi thấy quang cảnh bị biến đổi ở những vùng đang thi công điện gió. Đi qua Hướng Hóa, Khe Sanh những người quan tâm đến môi trường không khỏi lo lắng khi thấy khá nhiều mảng núi đồi bấy lâu nay phủ xanh cây cối nay đỏ quạch màu đất. Dân xôn xao: “Họ mần như ri thì núi đồi bị tàn phá hết chơ mô. Mùa mưa đến chắc chắn sẽ bị sạt lở, lũ ống, lũ quét đến biết chạy mô cho thoát”.

Thành phố Đông Hà (Quảng Trị).. Ảnh: Cổng thông tin Đảng bộ tỉnh Quảng Trị

Cái sự lo của dân là có nguyên cớ. Khi thiên nhiên bị can thiệp thô bạo thì hậu quả của nó không lường hết được đâu. Bởi thiên nhiên, theo tôi nghĩ, là cái đã có hàng triệu năm, nó được sắp xếp, bày đặt theo quy luật của tự nhiên. Vì thế, khi muốn thay đổi cái gì đó, con người phải hết sức cẩn trọng và cân nhắc kỹ càng. Đừng nên “tham bát bỏ mâm” như ông cha ta nói. Hiện nay, loài người ngoài việc phòng, chống lại những căn bệnh lạ và mới cực kỳ nguy hiểm, đang phải đối mặt với thực trạng biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt và tăng lên về cấp độ nguy hiểm. Hạn hán. Lũ lụt. Động đất. Sóng thần. Núi lở... Trận “hồng thủy” kinh hoàng năm 2020 ở miền Trung nước ta là minh chứng về sự nổi giận của thiên nhiên. Nạn phá rừng là một trong những nguyên nhân gây ra các trận lũ lụt lớn. Hội chứng “thủy điện cóc” cũng đã được các nhà khoa học lên tiếng cảnh báo về mặt trái của nó. Hàng trăm héc-ta rừng bị đốn phá, kết cấu địa hình bị biến đổi khi thủy điện nhỏ được xây lên vô tội vạ. Chẳng phải ngẫu nhiên khi có người ví thủy điện nhỏ là những trái bom nước treo lên ở các thượng nguồn. Bây giờ đến điện gió. Lợi thì rất lợi rồi. Những nơi được gọi là “cửa gió” như Quảng Trị mà không tận dụng nguồn năng lượng thừa thãi này thì thật có tội với dân. Gió đã làm khổ dân mình nhiều rồi, bây giờ bắt nó phải đền trả lại. Tôi nghĩ, xây dựng hệ thống điện gió là điều nên làm, cần làm ở vùng đất vĩ tuyến 17 này. Đó là cách tận dụng lợi thế thiên nhiên, tạo ra năng lượng sạch mang tính khả thi của Quảng Trị.

Tuy nhiên, không thể không tính đến tác động môi trường của nó khi núi đồi bị tàn phá, đào bới đến lở loét, thảm hại như thế. Cái quan trọng nhất là phải chống việc lợi dụng làm điện gió để khai thác tài nguyên như gỗ, đất... Điều nữa, phải cam kết và thực hiện nghiêm túc việc gìn giữ, bảo vệ môi trường. Chỉ thi công trong phạm vi cho phép, lên kế hoạch và mau chóng trồng lại cây, xây kè chống sạt lở ở nơi đã xây dựng.

Phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường phải đi song song với nhau. Không chỉ vì mục tiêu kinh tế mà hủy hoại môi trường. Phá hoại môi trường là mang tội với tổ tiên, ông cha và cả với các thế hệ mai sau. Nhiều nguyên thủ quốc gia và nhà khoa học đã khẳng định rằng, hiện tại và trong tương lai thì giữ gìn môi trường sinh thái trong lành còn quan trọng hơn tăng trưởng kinh tế. Xin nhắc lại điều đó bởi tôi nghĩ rằng, không gì hạnh phúc hơn khi nhân dân được sống hòa bình trong một đất nước xanh-sạch-đẹp. Những tiện nghi đắt tiền dần dà sẽ không phải là mục đích hướng tới của con người mà chắc chắn một không gian trong lành với rất nhiều cây xanh, rất nhiều tiếng chim hót là ước mong của chúng ta. Nói như thế có vẻ hơi lãng mạn nhưng tôi nghĩ không hề viển vông. Khi con người thực lòng yêu thiên nhiên sẽ biết cách sống thân thiện với nó. Hãy bắt đầu điều đó từ bây giờ. Nếu không chúng ta sẽ phải trả giá khi không giải quyết hài hòa, hiệu quả giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.

NGUYỄN HỮU QUÝ