Riêng Bộ tư lệnh Quân khu đã chuẩn bị hơn 2 tỷ đồng cùng 2.488 suất quà thăm hỏi, tặng quà đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng. 

Có thể nói, mươi cân gạo, dăm bộ quần áo, vài tấm chăn, chiếc màn... là những món quà tuy nhỏ nhưng mang ý nghĩa lớn, bởi đó là tấm lòng thơm thảo của Bộ đội Cụ Hồ dành cho nhân dân. Nếu như trong bão lũ, trong đại dịch Covid-19, hình ảnh cán bộ, chiến sĩ Quân đội bất chấp hiểm nguy, tận tình, tận nghĩa giúp bà con qua cơn nguy hiểm đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân dân, thì những món quà tình nghĩa hôm nay lại làm ấm lòng đồng bào nghèo trong dịp xuân về, Tết đến. Những món quà càng đáng trân trọng bởi để lo cho dân mùa xuân ấm, cán bộ, chiến sĩ các cơ quan, đơn vị đã tiết kiệm trong từng bữa ăn hằng ngày, chắt chiu, gom góp để hỗ trợ đồng bào. Những việc làm thiết thực đó đã góp phần tô thắm truyền thống, nét đẹp nhân văn của Bộ đội Cụ Hồ

 Ảnh minh họa: Qdnd.vn

"Đi dân nhớ, ở dân thương” chính là nét văn hóa truyền thống của Quân đội ta, là đặc trưng của Bộ đội Cụ Hồ. Đây là yếu tố góp phần rất quan trọng tạo nên sức mạnh của Quân đội. Giữ vững và phát huy truyền thống tốt đẹp ấy là vấn đề cơ bản, đồng hành với sự phát triển không ngừng của Quân đội nhân dân Việt Nam. Vì vậy, mỗi quân nhân đóng góp sức mình vào việc giữ gìn và phát huy nét văn hóa truyền thống “Đi dân nhớ, ở dân thương” là thiết thực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Hiện nay, nhiệm vụ xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc đặt ra những yêu cầu ngày càng cao, đòi hỏi mỗi quân nhân không chỉ ra sức học tập, tu dưỡng, rèn luyện, làm tỏa sáng hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ, mà còn phải kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm để hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó theo tinh thần Nghị quyết số 847-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới.

PHAN TIẾN DŨNG