Ngoài những cuộc họp mang tính chất thông báo, quán triệt thì phần lớn các cuộc họp đều có chung nhiệm vụ đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm, bàn nội dung, giải pháp thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ thời gian tiếp theo.

Tuy nhiên, trên thực tế, rất nhiều cuộc họp không thực sự cần thiết hoặc không mấy hiệu quả, gây lãng phí tiền bạc và thời gian, ảnh hưởng đến công việc của những người dự họp và thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Ngoài ra, tình trạng “bội thực họp” đang xảy ra ở nhiều nơi; nội dung nào cũng họp, cấp nào cũng tổ chức họp, mời đại biểu dự tràn lan. Có cán bộ một ngày phải dự 3-4 cuộc họp, không đủ thời gian đọc hết báo cáo thì khó mà nghiên cứu, đóng góp ý kiến chất lượng.

Tranh minh họa: Báo Lao động. 

Một thực tế là, trong các cuộc họp, thời gian trình bày báo cáo quá nhiều, phần dành cho thảo luận thường khiêm tốn. Các ý kiến phát biểu theo tinh thần “nhất trí và nhấn mạnh báo cáo”, hoặc theo công thức “ghi nhận, biểu dương, mong muốn” là chủ yếu; không mổ xẻ vấn đề, ít chỉ ra nguyên nhân khuyết điểm, giải pháp khắc phục... dẫn đến “họp chỉ để họp”, không giải quyết được vấn đề thực tiễn, mấu chốt, dẫn đến sự trì trệ, thậm chí là sai phạm của nhiều cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên.

Làm gì để nâng cao chất lượng họp? Có lẽ việc đầu tiên là phải chống “bội thực họp”. Lãnh đạo, chỉ huy đơn vị phải nghiên cứu, chỉ tổ chức các cuộc họp và mời thành phần dự thật cần thiết; sắp xếp, phân bổ thời gian họp hợp lý.

Đối với cuộc họp bàn vấn đề lớn, cần tổ chức phân loại chuyên môn, chuyên ngành, tiếp thu ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, đưa ra các phương án cụ thể để đại biểu có cơ sở bày tỏ chính kiến. Báo cáo trung tâm, định hướng thảo luận phải gửi trước để đại biểu nghiên cứu, chuẩn bị ý kiến. Trong cuộc họp, người chủ trì phải tuân thủ lịch trình; gộp các nội dung, tránh lặp lại vấn đề; phân bổ thời lượng khoa học; ý kiến phát biểu phải đúng hướng, có trọng tâm, trọng điểm.

Đặc biệt, muốn cuộc họp ngắn, bảo đảm chất lượng thì công tác chuẩn bị phải chu đáo, kỹ lưỡng, từ chuẩn bị báo cáo của cơ quan thường trực đến ý kiến của các đại biểu. Trong cuộc họp, người chủ trì phải có khả năng khái quát vấn đề, định hướng nội dung cần bàn, huy động trí tuệ tập thể và giữ cho cuộc họp đi đúng hướng, không sa đà vào nội dung tiểu tiết, tránh lan man, dàn trải.

Điểm mấu chốt là người điều hành cuộc họp phải có đủ kiến thức, kinh nghiệm giải quyết vấn đề nảy sinh. Đối với các vấn đề chưa có sự đồng thuận cao, người điều hành phải mổ xẻ hoặc phát triển, mở rộng vấn đề để tìm đến điểm chung, huy động được trí tuệ tập thể. Điều này đòi hỏi đội ngũ cán bộ phải không ngừng học tập, tích lũy kiến thức, cầu thị qua từng nhiệm vụ, qua mỗi cuộc họp...

Nắm vững và giải quyết tốt vấn đề sẽ nâng cao chất lượng họp; khắc phục tình trạng cuộc họp trở thành “sân diễn” của một vài người phát biểu lan man, lấn át hoặc chỉ im lặng, bàng quan. Nâng chất lượng các cuộc họp là việc quan trọng nhằm tạo sự chuyển biến tiến bộ trong thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị...

TIẾN ĐẠT