Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16-5-2012 ban hành quy định về dạy thêm, học thêm đã quy định rõ 4 trường hợp không được dạy thêm. Hai trong 4 trường hợp đó là không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học hai buổi/ngày; không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: Bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục-thể thao, rèn luyện kỹ năng sống. Quy định này đến nay vẫn còn hiệu lực. Tuy nhiên, tình trạng dạy thêm vẫn diễn ra tràn lan với cả học sinh tiểu học đã được nhà trường tổ chức dạy hai buổi/ngày. Chưa nghỉ hè, nhưng nhiều nơi đã rục rịch tổ chức cho học sinh tiểu học học thêm hè các môn học chính khóa với rất nhiều biến tướng, núp bóng dưới nhiều tên gọi khác nhau, như sinh hoạt hè, câu lạc bộ...

Điều đáng nói là các lớp dạy thêm đều có khung giờ làm khó học sinh và gia đình. Buổi sáng, học sinh vào học từ 8 giờ, tan học lúc 10 giờ 30 phút. Buổi chiều học sinh vào học lúc 14 giờ, tan học lúc 16 giờ 30 phút. Trong khi đó, nhà trường không tổ chức cho học sinh học bán trú như trong năm học. Thời tiết mùa hè, nhiệt độ ngoài trời vào giờ cao điểm lên rất cao. Việc đưa đón con vào khung giờ chơi vơi như vậy không chỉ khiến cha mẹ học sinh mất rất nhiều thời gian, làm giảm sút nghiêm trọng hiệu quả công việc, năng suất lao động mà còn ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe của trẻ nhỏ.

leftcenterrightdel
Áp lực học chính, học thêm đang đè nặng trên vai con trẻ. Ảnh minh họa: Vietnam+ 

Việc dạy thêm, học thêm tràn lan luôn là vấn đề rất nhức nhối trong xã hội, khiến rất nhiều người bức xúc nhưng mãi vẫn không tìm được giải pháp hữu hiệu. Trong một phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2018, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã từng phải thốt lên: Rất thương học sinh hiện nay học quá khổ sở, không có 3 tháng hè trọn vẹn, không có tuổi thơ, không có vui chơi, dự lễ khai giảng nhưng thực ra đã đi học từ trước đó rồi! Thế hệ ngày xưa tuy không phải học hành khổ sở như trẻ em hiện nay, nhưng kiến thức từ thời học vỡ lòng vẫn nắm rất chắc.

Từ năm 2012, quy định về dạy thêm, học thêm đã có và rất rõ ràng. Tuy nhiên, hơn chục năm qua, tình hình vẫn chưa hề được cải thiện. Thậm chí có cả những lớp dạy thêm cho trẻ nhỏ, học trực tuyến và bắt đầu vào lúc 23 giờ, thời gian lẽ ra trẻ nhỏ đã được chìm sâu vào giấc ngủ. Điều đó cho thấy sự bất lực không chỉ của ngành giáo dục, chính quyền địa phương (theo quy định hiện hành, “quả bóng” trách nhiệm quản lý dạy thêm đã được “đá” sang UBND cấp tỉnh) mà còn là sự bất lực của toàn xã hội.

Không biết đến bao giờ mùa hè không còn là mùa khổ của học sinh và gia đình học sinh? Đến bao giờ học sinh mới có lại được một kỳ nghỉ hè trọn vẹn?

CHIẾN THẮNG