Có thể nói, ngành giáo dục và các địa phương trong cả nước đã tốn quá nhiều thời gian, công sức để giải quyết "vấn nạn" dạy thêm, học thêm. Không ít hội nghị bàn tròn được mở, hàng vạn ý kiến đóng góp, các văn bản, quy định của Bộ GD-ĐT, UBND tỉnh, thành phố về dạy thêm, học thêm lần lượt ban hành và triển khai. Trong đó, văn bản mới nhất, đầy đủ nhất là Thông tư 17 (năm 2012) của Bộ GD-ĐT. Căn cứ vào nội dung của thông tư này, các tỉnh, thành phố đã ban hành quy định cụ thể, chi tiết việc quản lý, tổ chức, thực hiện dạy thêm, học thêm trên địa bàn. Đã 4 năm kể từ khi ban hành Thông tư 17, tình hình dạy thêm, học thêm ở các địa phương đã có những chuyển biến tích cực. Thế nhưng, việc quản lý, kiểm tra, xử lý sai phạm thì mỗi địa phương lại có cách làm khác nhau, nơi thì gắt gao, chặt chẽ; nơi thì hình thức, sơ sài, thậm chí bỏ dài.
Thi viết môn Tiếng Anh ở Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (tỉnh Quảng Ngãi). Ảnh có tính chất minh họa.
Thông tư 17 quy định khá rõ ràng, nghiêm cấm mọi hình thức dạy thêm, học thêm ở bậc tiểu học (trừ diện năng khiếu về nghệ thuật, thể thao); giáo viên các bậc học đang dạy không được tổ chức dạy, học thêm tại nhà; không được dạy thêm đối tượng học sinh của mình dạy tại trường, các trung tâm được cấp phép… Song, ở một số nơi, phía nhà trường, giáo viên vẫn cố tình tổ chức dạy thêm… để thu tiền. Một số người đưa ra lý do đồng lương không đủ sống nên dạy thêm là để tăng thu nhập, giúp đội ngũ giáo viên trang trải cuộc sống. Thực tế cho thấy, ở bậc tiểu học, THCS, THPT những giáo viên dạy các môn: Văn, Toán, Lý, Hóa, Ngoại ngữ thường tìm mọi chiêu trò để dụ, ép học sinh phải đến học. Các em học sinh vì sợ cái quyền và con điểm trong tay của giáo viên nên đành phải đi học thêm.
Thầy giáo Ngô Văn Hải, giáo viên Trường THPT Ba Tơ (Quảng Ngãi) bày tỏ: "Do nhận thức chưa đầy đủ, lại nặng nề về chuyện thu nhập nên một bộ phận không nhỏ giáo viên ở những khu vực kinh tế phát triển, các thành phố đã đẩy vấn nạn dạy, học thêm tràn lan hiện nay đến chỗ không thể kiểm soát nổi, gây bức xúc dư luận xã hội. Trước thực trạng đâu đâu cũng dạy thêm trái phép nên ở một số địa phương, lãnh đạo các nhà trường, Phòng GD-ĐT, thậm chí cả Sở GD-ĐT cũng tìm mọi lý do để bao biện, che chắn cho việc làm sai của giáo viên”.
Còn cô giáo Hồ Thị Hồng Thủy, Trường THPT chuyên Hùng Vương (tỉnh Gia Lai) cho rằng: "Theo quan điểm của tôi, không phải cái gì quản không được là ra lệnh cấm đoán, mà cần phải có những cách thức, biện pháp khác để tiếp cận, để mọi việc tốt hơn. Nhận thức của phụ huynh và cách quản lý của nhà trường và địa phương là hai yếu tố rất quan trọng".
Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã có chủ trương sẽ làm lành mạnh, trong sạch hoạt động dạy thêm, học thêm, theo đó nghiêm cấm việc tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường từ năm 2016-2017 trên địa bàn. Chủ trương này đã nhận được những luồng ý kiến khác nhau. Luồng ý kiến thứ nhất đồng tình, ủng hộ. Họ cho rằng, việc dạy thêm, học thêm tràn lan đã gây ra nhiều hệ lụy cho học sinh, phụ huynh và xã hội. Luồng ý kiến thứ hai, việc tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường là cần thiết, có nhiều tiện lợi đối với học sinh, phụ huynh, nếu chuyển về các trung tâm được cấp phép sẽ nảy sinh nhiều phức tạp. Còn luồng ý kiến thứ ba, nếu chỉ sử dụng các biện pháp hành chính thì không thể trị tận gốc vấn nạn này, mà cần phải có những giải pháp căn cơ lâu dài, đồng bộ từ chương trình, sách giáo khoa; cách dạy và học; hình thức tổ chức thi cử; chế độ lương bổng cho nhà giáo…
Cách làm của TP Hồ Chí Minh được nhiều địa phương hưởng ứng và nghiên cứu, áp dụng tại địa phương mình. Thế nhưng, để khắc phục tận gốc vấn nạn này, cần có sự vào cuộc của cả xã hội. Trước hết, các bậc phụ huynh cần phối hợp chặt chẽ với nhà trường, tham gia giáo dục con trẻ một cách nghiêm túc. Trong đó, nên cân nhắc, lựa chọn cho con em mình đi học thêm thế nào cho phù hợp, không nên bắt buộc, gây áp lực, để các em có thời gian vui chơi, tham gia các hoạt động xã hội, tập thể… Còn phía ngành GD-ĐT cần tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Thông tư 17 của các cơ sở giáo dục. Những trường hợp giáo viên cố tình vi phạm thì phải có biện pháp xử lý kịp thời, trường hợp tái diễn nhiều lần thì nên thuyên chuyển công tác hoặc buộc thôi việc. Quan trọng nhất là cần có chính sách đãi ngộ, nâng cao đời sống cho đội ngũ giáo viên. Chỉ khi cả xã hội cùng vào cuộc, các trường, các phụ huynh có nhận thức tốt, không còn nặng bệnh thành tích…, thì tình trạng dạy thêm, học thêm sẽ hạ nhiệt.
Bài và ảnh: ĐỖ TẤN NGỌC