Những ý kiến trái chiều về dạy thêm, học thêm

Thực tế cho thấy, việc dạy thêm, học thêm được xuất phát từ tinh thần hiếu học, nhu cầu được lĩnh hội, nâng cao kiến thức của học sinh. Thế nhưng, do bị lạm dụng, việc dạy thêm, học thêm không còn xuất phát từ yêu cầu của người học, mà lại xuất phát từ yêu cầu của người dạy, khiến cho cả phụ huynh và học sinh có cái nhìn không chuẩn về hoạt động này.

Một học sinh Trường THCS Trưng Vương, TP Hà Nội chia sẻ: "Do đi học thêm liên tục, nên em luôn cảm thấy mệt mỏi, thậm chí có những lúc không còn hứng thú với việc học tập nữa. Chính vì vậy, đã không ít lần em có suy nghĩ mình bị bắt ép đi học thêm". Còn một số học sinh khác cho rằng, chỉ đi học thêm thì các thầy giáo, cô giáo mới giúp ôn luyện sát với đề kiểm tra trên lớp. Điểm của những bạn đi học thêm luôn cao hơn các bạn không đi học thêm. Do vậy, hầu như học sinh nào cũng phải đi học thêm nếu không muốn có kết quả học tập thấp hơn bạn bè.

leftcenterrightdel
Quang cảnh một lớp học thêm được tổ chức tại nhà. 

Về vấn đề này, cô Nguyễn Thị Phúc Hạnh, giáo viên Trường THCS Trường Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, tâm sự: "Với các em học sinh ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa thì làm gì có điều kiện để đi học thêm. Đa số các em chỉ tranh thủ học trên lớp và việc hướng dẫn của thầy giáo, cô giáo, trao đổi với bạn bè, tự học từ sách giáo khoa và tìm tòi tài liệu ôn thêm. Thế nhưng, kết quả học tập của các em cũng chẳng thấp hơn khu vực đô thị là bao nhiêu, thậm chí có những học sinh vẫn đạt thành tích cao trong quá trình học tập. Bằng chứng là trong số học sinh thi đỗ vào các trường đại học và thậm chí giành ngôi thủ khoa trong các kỳ thi là các em học sinh nghèo, không có điều kiện đi học thêm".

Trong khi đó có luồng ý kiến lại cho rằng, việc học thêm, dạy thêm là cần thiết. Việc một số trường cấm dạy thêm, học thêm nhưng lại cho phép tổ chức học thêm, dạy thêm tại các trung tâm, bồi dưỡng văn hóa ngoài nhà trường, là điều không nên làm. Bởi cách làm này khiến cả học sinh và giáo viên đều thiệt thòi. Giáo viên ra các trung tâm dạy có khả năng sẽ bị ép giá, còn học sinh học ở các trung tâm thì nhà trường khó quản lý, thậm chí bị mất phương hướng trong việc học tập. Đã thế, hiện nay ở nước ta chưa có bộ phận kiểm tra nội dung và chất lượng giảng dạy ở các trung tâm.

Cô Nguyễn Thị Bình, giáo viên Trường THPT Nguyễn Trãi, TP Hà Nội cho rằng: Việc dư luận xã hội lên án những hành vi ép học sinh học thêm để có thêm thu nhập là đúng. Nhưng cũng cần hiểu đúng, thậm chí khuyến khích việc giáo viên dạy thêm nhằm giúp bồi dưỡng học sinh giỏi, giúp học sinh yếu củng cố kiến thức... Không nên đánh đồng hai khái niệm này.

Cần tăng cường sự quản lý của nhà trường

Hiện nay, đa số các trường học đều được đầu tư cơ sở vật chất rất tốt, có những trường đầu tư cả máy móc, đèn chiếu, ánh sáng và nhiều đồ dùng hiện đại khác. Việc dạy thêm, học thêm được tổ chức ngay tại các nhà trường sẽ tận dụng môi trường đó để học sinh học tập cũng như giúp nhà trường quản lý được chất lượng dạy và học, các bậc phụ huynh có thể yên tâm hơn và cũng dễ dàng trong việc quản lý con cái. Nếu chỉ cấm trong nhà trường, không cấm ở trung tâm bên ngoài, ở gia đình, thì lúc đó sẽ nảy sinh nhiều vấn đề rất có thể cách dạy sẽ biến tướng, tản mát và khó quản lý hơn.

Theo ông Nguyễn Đức Minh, Phó viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam: Bản chất của việc dạy thêm, học thêm không phải là xấu. Thế nhưng, do những biến tướng của nó mới gây bức xúc cho xã hội. Làm gì để việc dạy thêm, học thêm đúng định hướng và thực sự phát huy hiệu quả mới là vấn đề đáng quan tâm hiện nay. Theo tôi, để việc dạy thêm, học thêm không còn bị lạm dụng, trước tiên phía nhà trường cần làm tốt công tác quản lý nghiệp vụ đối với đội ngũ giáo viên. Cụ thể là trong các giờ học chính phải bảo đảm đầy đủ nội dung và chất lượng. Cùng với đó là phải thay đổi cách kiểm tra, đánh giá học sinh theo hướng thiên về các hoạt động tư duy, kỹ năng sống; việc ra đề thi phải cụ thể, không nên đánh đố học sinh... Về phần mình, các bậc phụ huynh cần tìm hiểu kỹ năng lực, điểm mạnh, điểm yếu và nhu cầu thực sự của con mình để từ đó đưa ra các khóa học phù hợp. Tuyệt đối không chạy theo bệnh thành tích, tâm lý đám đông, mà bắt con em mình đi học thêm tràn lan. Hãy để con trẻ phát triển đúng tâm lý lứa tuổi, khi nào thật cần thiết thì mới trao đổi với nhà trường, thầy giáo, cô giáo tổ chức bồi dưỡng thêm cho các cháu... Làm được như thế thì việc dạy thêm, học thêm mới phát huy đúng giá trị, khi đó việc học thêm của học sinh sẽ giảm đi và thay vào đó bằng các hoạt động ngoại khóa bổ ích, lý thú thực sự cuốn hút học sinh.

Bài, ảnh: VĂN THI