leftcenterrightdel

Hoạt động ngoại khóa của học sinh Trường PTDT Nội trú THCS và THPT Đồng Văn (Hà Giang). Ảnh: hagiangtv.vn

Vậy là cấp THPT ở các huyện miền núi, hải đảo không còn nội trú trong khi các em vẫn rất cần cái chữ, nhà lại rất xa, có khi đi bộ vài ngày đường, chưa nói đến mùa mưa lũ bị chia cắt dài ngày... Tỉnh Nghệ An chần chừ mãi đến năm 2013 mới thực hiện chủ trương này, và từ đó trung bình mỗi năm có khoảng 5.000-6.000 học sinh THPT miền núi phải trọ học bên ngoài. Xung quanh các trường THPT, người dân dựng lên nhiều khu nhà trọ cho học sinh thuê. Phần lớn nhà trọ tạm bợ, thiết bị sinh hoạt hầu như không có gì và đương nhiên không có ai quản lý các em. Nhà nghèo, ăn uống kham khổ, một số em sa vào lối sống không lành mạnh, thậm chí bị lôi kéo vào tệ nạn xã hội. Học sinh nữ bị chọc ghẹo, quấy phá, rủ rê. Học sinh nam tụ tập uống rượu, hút thuốc lá, thức đêm chơi game, bỏ học... Đó là thực tế không hiếm ở những khu trọ này. Chính quyền, nhà trường, lực lượng công an, dân quân... đã phối hợp để quản lý nhưng không xuể. Năm học 2021-2022, Trường THPT Quỳ Châu (Nghệ An) có 4 em từ bản xa đến trọ học dính vào tệ nạn ma túy, bị bắt, khởi tố và đưa ra xét xử, 3 em chịu án 5-7 năm tù, 1 em cải tạo không giam giữ.

Cái chữ rất cần, nhưng cái đức, kỹ năng sống, phẩm chất làm người của các em, nếu cứ ở trọ mãi như thế, thật đáng băn khoăn, lo ngại... Người dân, chính quyền địa phương và nhất là học sinh miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc đều bày tỏ mong muốn được trở lại sống, học tập, rèn luyện theo chế độ nội trú trong những ngôi trường THPT như trước đây.

Xin chuyển đến Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các cấp có thẩm quyền nguyện vọng chính đáng và tha thiết đó. 

TRẦN HOÀI

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Cùng bàn luận xem các tin, bài liên quan.