QĐND - Áp lực xuất hiện ở mọi lĩnh vực, mọi ngành nghề trong xã hội. Phổ biến nhất có lẽ là áp lực phải hoàn thành tốt công việc, nếu không muốn bị tụt hậu và bị đào thải. Nghề giáo càng phải chịu áp lực nhiều hơn bởi trách nhiệm ươm mầm tương lai là hết sức vinh quang nhưng cũng rất đỗi nhọc nhằn. Tương lai của đất nước có tươi sáng hay không phụ thuộc phần nhiều vào công sức của đội ngũ nhà giáo.

Công bằng mà nói, trong suốt chặng đường dài của lịch sử dân tộc, đặc biệt là trong giai đoạn lịch sử Việt Nam hiện đại, đất nước ta đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Đó là nhờ công lớn của ngành giáo dục. Tuy vậy, những bước phát triển ấy vẫn chưa sánh kịp với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới và cũng chưa đáp ứng được chính yêu cầu phát triển của chúng ta. Chính vì vậy, trong các văn kiện của Đảng ta gần đây, vấn đề đổi mới lĩnh vực giáo dục luôn được nhắc tới.

Chúc mừng cô nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11. Ảnh minh họa/internet.

Thực trạng ấy xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là thiếu hụt động lực phấn đấu. Lâu nay, cũng giống như nhiều ngành, nghề, lĩnh vực khác, sau khi được tuyển dụng, nhà giáo nghiễm nhiên tồn tại trong hệ thống giáo dục. Có cảm thấy áp lực trong công việc hay không phụ thuộc vào ý thức trách nhiệm của mỗi người. Chính vì vậy, mới xuất hiện hiện tượng có giáo viên chưa đầu tư thời gian, công sức đúng mức cho việc soạn giáo án riêng cho từng năm học, thậm chí còn có hiện tượng sao chép giáo án của đồng nghiệp. Việc chấm bài kiểm tra, tổ chức các kỳ thi hết học kỳ, cuối cấp, có lúc, có nơi vẫn mang tính hình thức.

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, không có cách nào khác, nhà giáo phải thường xuyên tự tạo áp lực cho chính mình bằng việc “tầm sư”, cập nhật, mở rộng và đào sâu thêm tri thức. Tri thức loài người phát triển mỗi ngày. Có những vấn đề hôm qua còn là tiên tiến, hôm nay đã lạc hậu. Nhà giáo làm nhiệm vụ chuyển tải một phần tri thức loài người tới người học. Nếu không thường xuyên cập nhật tri thức, bao gồm cả kiến thức chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm, nhà giáo sẽ bị giậm chân tại chỗ, làm ảnh hưởng tới tương lai và sự phát triển của đất nước.

Tất nhiên, không thể chỉ dựa vào “áp lực tự thân” của các nhà giáo. Cũng cần những áp lực khách quan từ phía Nhà nước và xã hội như cơ chế thưởng - phạt. Nhà giáo nào thực sự cầu tiến, thực sự có công phải được khen thưởng kịp thời, xứng đáng bằng cả những danh hiệu cao quý và những ưu đãi vật chất cụ thể khác từ Nhà nước và xã hội. Ngược lại, nhà giáo nào không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ thì phải đào thải khỏi ngành.

Nhà giáo cần sẵn sàng tâm thế chịu áp lực, nếu áp lực đó là tích cực nhằm góp phần làm đổi thay sự nghiệp giáo dục theo chiều hướng tốt hơn. Thiếu áp lực dẫn tới thiếu động lực, thiếu động lực sẽ khó có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ; không đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp đổi mới giáo dục trong tình hình mới.

MINH THẮNG