Dự kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến với dự án Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân (sửa đổi) trong phiên họp tháng 9-2023; trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ sáu diễn ra vào tháng 10-2023.

leftcenterrightdel

 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh: DUY LINH

Dự án luật được xây dựng nhằm thể chế hóa đầy đủ, đúng đắn, toàn diện quan điểm của Đảng về cải cách tư pháp trong tình hình mới; đồng thời khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn.

Với tinh thần “Quốc hội đồng hành với các cơ quan từ sớm, từ xa”, lãnh đạo Quốc hội tổ chức phiên họp để nghe Tòa án Nhân dân Tối cao báo cáo về một số nội dung lớn trong dự án Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân (sửa đổi).

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. 

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Nghị quyết số 27 đã xác định nhiệm vụ xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân”.

Trọng tâm là, “đẩy mạnh cải cách tư pháp, bảo đảm tính độc lập của Tòa án theo thẩm quyền xét xử, Thẩm phán, Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”. Nghị quyết cũng đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp quan trọng liên quan đến tổ chức của Tòa án Nhân dân. 

leftcenterrightdel
Quang cảnh cuộc làm việc. 

Tại cuộc họp, lãnh đạo Quốc hội cho rằng, việc sửa đổi về tổ chức và nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân là những vấn đề rất hệ trọng liên quan đến tổ chức bộ máy nhà nước, mối quan hệ với các cơ quan tư pháp, liên quan đến quyền con người, quyền công dân, nên cần cân nhắc hết sức thận trọng trong mỗi quy định. 

Lãnh đạo Quốc hội cũng nhất trí nội dung đề xuất sửa đổi về tổ chức và hoạt động của hệ thống Tòa án Nhân dân phải là những vấn đề thực tiễn đòi hỏi cấp bách, đã chín muồi, có sự thống nhất, đồng thuận cao thì mới đưa vào quy định trong dự thảo luật.

Những vấn đề chưa rõ, còn nhiều ý kiến khác nhau thì cần tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, chưa đưa vào dự thảo luật này. Việc đề xuất sửa đổi các quy định của luật phải phù hợp với quan điểm, chủ trương của Đảng và trong khuôn khổ quy định của Hiến pháp, phù hợp với đặc điểm của hệ thống chính trị và thực tiễn của nước ta trong giai đoạn mới. 

CHIẾN THẮNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.