Trên mặt bằng khu vực, sau "đại gia" Singapore thì bóng bàn Việt Nam (BBVN) chưa bao giờ bị xem là đàn em. Từ ngày thể thao Việt Nam trở lại khu vực Đông Nam Á vào năm 1989, BBVN từng giành những kết quả khả quan tại các kỳ SEA Games, đặc biệt là tấm HCV đồng đội nữ tại SEA Games 17 năm 1993 mang đậm dấu ấn của Trần Thu Hà, Nhan Vị Quân.

Tuấn Quỳnh không thể giúp đội tuyển bóng bàn nam quốc gia đạt thành tích khả quan hơn.

Sau đó là 3 tấm HCV đơn nam của Vũ Mạnh Cường (1995, 2001) và Trần Tuấn Quỳnh (2003) cùng tấm HCV đôi nam nữ của Vũ Mạnh Cường - Ngô Thu Thủy (1997) và HCV đôi nam của Kiến Quốc - Quang Linh (2009). Tại Giải vô địch bóng bàn Đông Nam Á 2010 tổ chức ở Philippines, do đội Singapore thiếu vắng các tay vợt có đẳng cấp thế giới nên BBVN đã xuất sắc giành vị trí số một với 5 HCV, 2 HCB và 3 HCĐ. Trước đó, tại Giải vô địch Đông Nam Á  năm 2004 và 2008, chúng ta cũng giành được đến 3 HCV. Vậy mà tại Giải vô địch Đông Nam Á vừa qua, BBVN chỉ giành 2 HCB, 6 HCĐ, bị xem là thất bại nặng nề.

Thất bại đáng nói nhất của BBVN là ở nội dung đồng đội nam, khi để thua đội tuyển Indonesia 1-3 tại vòng bán kết. Trước đây, tại các kỳ SEA Games hoặc Giải vô địch Đông Nam Á, đồng đội nam Việt Nam thường chỉ chịu gác vợt trước Singapore với hầu hết các tay vợt nhập quốc tịch từ Trung Quốc, sau đó thi thoảng có thể lui bước trước Thái Lan và chưa hề nhường bước trước đội nam Indonesia. Vì thế, thất bại trước đội nam Indonesia là nỗi đau của những ai yêu mến bóng bàn. Bên cạnh đó, điều này gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc quản lý chuyên môn ở những bên có liên quan.

Sự việc bắt đầu từ việc HLV Lê Xuân Phong gạt hai tay vợt cùng tên Hoàng (Phan Huy Hoàng của T&T và Tô Đức Hoàng của Tập đoàn dầu khí Việt Nam) khỏi danh sách tham dự Giải vô địch Đông Nam Á 2012, đưa vào đội tuyển cây vợt Lê Tiến Đạt, vốn là học trò ở CLB Bóng bàn Quân đội. Điều này gây phản ứng từ CLB T&T rồi Tập đoàn dầu khí Việt Nam. Đáng buồn là Tổng cục TDTT không làm nghiêm, chỉ sử dụng biện pháp dung hòa khi triệu tập thêm Phan Huy Hoàng, Tô Đức Hoàng, đẩy danh sách lên tới 6 người trong khi theo thông lệ, mỗi đội chỉ được đăng ký 5 người tại các giải quốc tế. Đến khi lâm trận, 2 tay vợt trên thường làm khán giả, còn Tiến Đạt vẫn được "thầy nhà" tung vào trận. Đội tuyển nam Việt Nam thua Indonesia trong sự bất bình sâu sắc của những người hâm mộ và am hiểu. Giải thích cái thua ấy với báo chí, HLV Lê Xuân Phong cho rằng, học trò của ông có tinh thần thi đấu tốt hơn mấy VĐV kia nên được tung vào trận. Điều này không thuyết phục và thất bại này cần được những người có liên quan nhìn nhận thẳng thắn để giải quyết triệt để, tránh để đội tuyển bóng bàn quốc gia bị ảnh hưởng bởi những quyết định mang tính cục bộ địa phương. 

Người ta đang chờ đợi các nhà quản lý thể thao sẽ xử lý thất bại trên như thế nào. Xin đừng để nước đến chân rồi mới nhảy. Năm sau đã đến SEA Games 27 rồi đấy!

Theo HNM