Đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi: Bộ Y tế có chậm tham mưu chiến lược triển khai vắc xin Covid-19?

Đặt câu hỏi chất vấn tới Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, đại biểu Lưu Văn Đức (Đắk Lắk) băn khoăn về công tác dự báo diễn biến dịch thời gian qua đã đạt kết quả ra sao và Bộ Y tế dự báo diễn biến dịch từ nay tới năm 2022 sẽ như thế nào?

Đại biểu cũng đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long giải thích vấn đề chậm tham mưu chiến lược triển khai vắc xin Covid-19 và tính công bằng trong phân bổ vắc xin bởi có những địa phương đã hoàn thành tiêm cho trẻ em và có địa phương chuẩn tiêm mũi 3, trong khi đó nhiều tỉnh thành ở miền Trung, Tây Nguyên vẫn chưa có đủ vắc xin để tiêm.

Trả lời đại biểu Lưu Văn Đức về dự báo về Covid-19 thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng việc này là rất khó khăn. Đến nay, hầu hết các nước trên thế giới chưa có dự báo mang tính dài hạn.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng chỉ cảnh báo dịch bệnh không thể kết thúc trong năm 2022, mà hy vọng đến năm 2023, Covid-19 trở thành bệnh tương tự như cúm mùa. Một số nước đã đưa ra dự báo ngắn hạn, bởi đại dịch lần này liên tục có biến chủng.

Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, trong báo cáo Chính phủ gửi Quốc hội và báo cáo gửi Trung ương, "chúng tôi đã thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại trong dự báo tình hình ở các địa phương chưa đúng, chưa sát thực tế, trong đó có cả đơn vị ở Trung ương". 

“Thời gian tới, Bộ sẽ làm việc với Tổ chức Y tế Thế giới để có dự báo về tình hình dịch bệnh”, Bộ trưởng cho biết.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Y tế, từ nay đến cuối năm và năm 2022, khi cả nước chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn, thì dịch bệnh có dấu hiệu tăng trở lại ở một số địa phương. Vì vậy, Chính phủ và Bộ Y tế liên tục chỉ đạo các địa phương tăng cường ứng phó.

Bộ trưởng nói, từ nay đến cuối năm, dịch vẫn diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, ở một số nơi, một bộ phận người dân đã không áp dụng biện pháp theo khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, nhất là khi dịp Tết sắp đến sẽ có nhiều hoạt động đông người… Bộ trưởng lưu ý các địa phương phải tăng phủ vắc xin để giảm số ca mắc và tử vong.

Quang cảnh Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV. Ảnh: quochoi.vn. 

Tới đây, vắc xin trong nước có khả năng được cấp phép

Khẳng định “chiến lược vắc xin của Việt Nam đã triển khai thành công”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nêu rõ, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Việt Nam đã triển khai đồng bộ, thành công chiến lược vắc xin trên các khía cạnh như mua, nhập khẩu vắc xin... Việt Nam đã có hợp đồng, thỏa thuận gần 200 triệu liều vắc xin và có thể tăng lên thời gian tới. 

Đồng thời, Việt Nam cũng thúc đẩy ngoại giao vắc xin để tăng lượng vắc xin về nhanh nhất, nhiều nhất. Các đơn vị trong nước cũng đang triển khai tự chủ vắc xin thông qua nghiên cứu, chuyển giao công nghệ.

“Tới đây vắc xin trong nước có khả năng được cấp phép”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thông tin.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh chiến dịch tiêm chủng đã được tổ chức ở quy mô lớn nhất từ trước đến nay; cả nước đến nay đã tiêm được 94 triệu người.

Mặt khác, lượng vắc xin cũng bảo đảm đủ cho người từ 18 tuổi trở lên cũng như trẻ em từ 12 tuổi tiêm đủ hai mũi; mũi 3 sẽ triển khai vào cuối năm nay.

Khi nào vắc xin của Việt Nam được phê duyệt và đưa vào sử dụng?

Đại biểu Dương Minh Ánh (TP Hà Nội) đặt câu hỏi về thời gian cụ thể vắc xin Covid-19 của Việt Nam sẽ được phê duyệt và đưa vào sử dụng.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, hiện trong nước có 2 đơn vị nghiên cứu, sản xuất vắc xin Covid-19 và đang trong giai đoạn 3 thử nghiêm lâm sàng.

Đối với việc cấp phép các vắc xin này, Bộ trưởng cho biết, Bộ Y tế chỉ “cắt ngắn” những thủ tục về mặt hành chính; còn về chuyên môn và độ an toàn phải bảo đảm tối đa trên cơ sở xem xét của Hội đồng Y đức và Hội đồng Cấp phép.

“Hai hội đồng này thời gian qua liên tục làm việc, hướng dẫn bổ sung dữ liệu với các nhà sản xuất để có thể cấp phép”, Bộ trưởng nói.

“Chúng tôi cũng kỳ vọng sớm có vắc xin của Việt Nam để sớm chủ động được nguồn vắc xin”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long bày tỏ.

HẰNG PHƯƠNG