Khán giả trận Việt Nam - Nhật Bản dùng thẻ căn cước tích hợp

Phát biểu tại phiên thảo luận về kinh tế, xã hội chiều 9-11, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội thông tin, Bộ trưởng Bộ Công an và Bí thư Thành ủy Hà Nội đã thống nhất ứng dụng thẻ căn cước công dân có tích hợp dữ liệu tiêm chủng để kiểm soát người đến sân vận động Mỹ Đình trong trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và Nhật Bản vào ngày 11-11 tới đây.

"Điều này sẽ mang lại sự tiện lợi rất lớn và sẽ là bài học để quản lý các hoạt động xã hội khác trong điều kiện bình thường mới", Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội khẳng định. 

 Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VPQH

Đã cấp 50 triệu căn cước công dân gắn chip điện tử

Đại biểu dành thời gian thông tin thêm về việc triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong thời gian qua. Theo đó, đại biểu Nguyễn Hải Trung nhắc đến một trong những dấu ấn của ngành công an năm 2021 là đã hoàn thành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và đạt mốc cấp 50 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử cho công dân.

Theo đại biểu Nguyễn Hải Trung, trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, đến nay, hai dự án về công nghệ thông tin được triển khai trên toàn quốc, hoạt động đúng tiến độ chỉ trong thời gian hai năm thực hiện. 

Điều này có ý nghĩa quan trọng trong phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số ở nước ta.

Về cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đại biểu cho biết đây là dữ liệu gốc rất chính xác về công dân Việt Nam với gần 100 triệu thông tin được số hóa, cập nhật thường xuyên bởi hơn 50.000 cán bộ cảnh sát khu vực, công an xã chính quy trên toàn quốc.

Từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Công an sẽ gắn mã số định danh cá nhân cho 100% công dân toàn quốc.

“Mã số này cũng chính là số thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử; với công dân chưa có căn cước công dân thì đã có thông báo đến từng công dân kèm mã QR”, đại biểu thông tin. 

Đồng thời, theo đại biểu, hơn 50 triệu công dân đã được cấp thẻ căn cước có gắn mã điện tử với độ bảo mật cao, tích hợp nhiều thông tin, mở ra nhiều cơ hội để phát triển các tiện ích phục vụ người dân, doanh nghiệp trong hoạt động kinh tế, xã hội.

"Trong phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua đã cho thấy hiệu quả sử dụng cơ sở dữ liệu dân cư trong thực tế, nhất là tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh từ dữ liệu gốc có độ chính xác, bảo mật cao", đại biểu nhấn mạnh. 

Đề cập đến các ứng dụng (app) phòng, chống dịch bảo đảm tính tiện ích, rộng mở, dễ sử dụng, đại biểu cũng thông tin, các ngành đã kết nối dữ liệu tiêm chủng, ứng dụng phần mềm phòng, chống dịch, khắc phục tình trạng "loạn" các phần mềm chống dịch với nhiều lỗ hổng về bảo mật như vừa qua.

Đại biểu Nguyễn Hải Trung cũng nhấn mạnh chủ trương kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với dữ liệu tiêm chủng, xét nghiệm, quản lý người mắc Covid-19 đã khỏi bệnh là chủ trương đúng đắn, cần được các ngành khẩn trương triển khai để mang lại hiệu quả khi triển khai trên thực tế. 

Giám đốc Công an TP Hà Nội cũng cho biết, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định quy định về định danh và xác thực điện tử. Điều này có ý nghĩa lớn trong ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, để xác thực danh tính công dân Việt Nam hoạt động qua không gian mạng, góp phần ngăn chặn các vi phạm rất phức tạp hiện nay.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội cho biết, qua thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu yêu cầu phải thống nhất một app (ứng dụng điện tử) tiện ích, rộng mở, dễ sử dụng để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Về vấn đề này, Bộ Công an hiện đang rất tích cực thực hiện. 

HẰNG PHƯƠNG