QĐND Online - Hội thảo khoa học “Văn hóa biển đảo: Bảo vệ và phát huy giá trị”, do Bộ VHTTDL, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia tổ chức ngày 16-10, tại Hà Nội, đã nhận nhiều ý kiến, tham luận của các đại biểu về kinh nghiệm của các địa phương trong việc xử lý mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa biển đảo.

Việt Nam có đường bờ biển dài 3.260km với 2.800 đảo và quần đảo. Theo GS.TSKH Vũ Minh Giang, văn hóa biển đảo là khái niệm rộng, hiểu đầy đủ còn bao gồm cả văn hóa các vùng duyên hải nên đôi khi trong thuật ngữ còn được bổ sung thêm từ bờ biển để làm rõ khái niệm này. Với ý nghĩa văn hóa là tất cả những gì do con người sáng tạo ra, văn hóa biển, đảo cũng có thể  phân thành văn hóa vật thể và phi vật thể. Trong các di sản phi vật thể, lễ hội là một sáng tạo văn hóa đặc sắc, không chỉ phản ánh sinh động cuộc sống của cư dân biển đảo, thể hiện ước vọng của họ về tương lai tốt đẹp mà còn thể hiện cuộc đấu tranh sinh tồn với thiên nhiên khắc nghiệt và vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền quốc gia thiêng liêng như Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa của nhân dân huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Một loại hình di sản đặc biệt của văn hóa biển đảo là các con tàu đắm và những vật dụng khác dưới đáy biển trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt nam. Đây không chỉ là những di sản quý báu, có giá trị khoa học, văn hóa, kinh tế cao mà còn có ý nghĩa trong việc khẳng định chủ quyền quốc gia.

 Hội thảo khoa học “Văn hóa biển đảo bảo vệ và phát huy giá trị”

PGS.TS Phan Xuân Biên cho biết, trong đời sống tín ngưỡng, tôn giáo, lễ hội của cộng đồng ngư dân vùng biển Nam bộ có nhiều nét tương đồng, mang tính thống nhất của cả nước, đồng thời có sự đa dạng, mang sắc thái văn hóa vùng biển đảo Nam bộ. Tất cả đều phản ánh tâm thức khát vọng một cuộc sống bình an, no ấm của người dân miền biển. Trong số các tín ngưỡng và lễ hội của người Việt vùng biển Nam Bộ, phổ biến và mang đặc trưng nhiều nhất là tín ngưỡng thờ cá Voi, cá Ông, thờ Mẫu, nữ thần biển…

Theo GS.TS Ngô Đức Thịnh, văn hóa biển được hiểu như là hệ thống các tri thức của con người về môi trường biển, các giá trị rút ra từ những hoạt động của con người trong môi trường ấy, cùng với nó là những cảm thụ, hành vi ứng xử, nghi lễ, tập tục, thói quen của con người tương thích với môi trường biển.

Hội thảo khoa học “Văn hóa biển đảo bảo vệ và phát huy giá trị” là bước khởi đầu để các cơ quan chức năng thấy rõ hơn về bức tranh toàn cảnh văn hóa biển của Việt Nam, để qua đó có hướng phát triển trong tương lai.

Tin, ảnh: K.HUYỀN