Khi cán bộ Quân đội làm quản lý nhà nước

Một ngày nắng đẹp ở TP Đồng Xoài (Bình Phước), tiếp chuyện chúng tôi, đồng chí Vũ Tiến Điền, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Phước nở nụ cười hiền: “Mình cáng đáng cương vị mới này chưa được lâu, bởi trước đây, bản thân cũng là sĩ quan Quân đội như các đồng chí”.

Cách đây gần 1,5 năm, đồng chí Vũ Tiến Điền là Tỉnh ủy viên, Đại tá, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Bình Phước. Căn cứ vào phẩm chất, năng lực cán bộ và nhu cầu sử dụng cán bộ của địa phương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước xem xét, đề nghị Quân khu 7, Bộ Quốc phòng chuyển ngành đối với sĩ quan Quân đội này. Tháng 7-2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy công bố Quyết định bổ nhiệm đồng chí Điền giữ chức Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Đến ngày 9-5-2023, Tỉnh ủy Bình Phước công bố Quyết định số 834-QĐ/TW ngày 27-4-2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc chuẩn y đồng chí Vũ Tiến Điền tham gia Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước nhiệm kỳ 2020-2025.

leftcenterrightdel
Đồng chí Nguyễn Quốc Soài, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Phú Riềng tặng quà các cháu thiếu nhi nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi, năm 2023. Ảnh: Trung Hiếu

Việc điều chuyển một cán bộ Quân đội giàu kinh nghiệm trong công tác quân sự địa phương sang giữ vị trí chủ chốt ngành tuyên giáo của tỉnh nhận được sự đồng thuận cao của đội ngũ cán bộ, đảng viên và dư luận xã hội. Thực tiễn cho thấy, quyết định đó là hoàn toàn chính xác, khi trên cương vị mới, đồng chí Vũ Tiến Điền luôn nỗ lực, cố gắng, cùng tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo địa phương đạt nhiều thành quả quan trọng; chỉ đạo ngành tuyên giáo địa phương có nhiều đổi mới, đột phá trên nhiều lĩnh vực, nhiệm vụ, phần việc. Đồng chí Vũ Tiến Điền chia sẻ: “Bản thân có thâm niên công tác trong Quân đội, trải qua nhiều cương vị khác nhau, nhưng đón nhận nhiệm vụ mới là cơ hội tốt, tạo động lực mới để bản thân tiếp tục học tập, rèn luyện, nỗ lực công tác, góp phần xây dựng địa phương”. Còn theo lãnh đạo tỉnh Bình Phước, trên cương vị mới, đồng chí Điền có điều kiện thuận lợi tiếp tục tham gia lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động quân sự, quốc phòng địa phương; nhất là việc đóng góp trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm, kinh nghiệm cùng tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy hoạch định đường lối, chủ trương về quân sự, quốc phòng; góp phần xây dựng LLVT địa phương ngày càng phát triển.

Cũng tại Bình Phước, nhiều cán bộ Quân đội đang công tác trong LLVT địa phương được cấp ủy, chính quyền các cấp lựa chọn, được bầu giữ vị trí chủ trì, chủ chốt ở cấp huyện và một số sở, ban, ngành cấp tỉnh. Ví như trường hợp các đồng chí: Đại tá Lê Quang Oanh, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Bù Gia Mập, được bầu giữ chức Chủ tịch UBND huyện Bù Gia Mập, nay luân chuyển làm Chủ tịch UBND huyện Bù Đốp; Đại tá Trần Văn Vinh, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Đồng Phú, được bầu giữ chức Chủ tịch UBND huyện Đồng Phú, rồi được bầu làm Bí thư Huyện ủy Đồng Phú; Đại tá Đoàn Văn Thảo, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Bù Đốp, được bầu giữ chức Chủ tịch UBND huyện Bù Đốp, nay luân chuyển làm Chủ tịch UBND huyện Bù Gia Mập; Đại tá Nguyễn Quốc Soài, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Phú Riềng được bầu giữ chức Phó bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Phú Riềng...

Theo đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước, cán bộ Quân đội đều được đào tạo cơ bản, có phẩm chất, trình độ tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng, giàu kinh nghiệm thực tiễn và gắn bó với lịch sử phát triển của địa phương. Đặc biệt, cán bộ Quân đội luôn mang trong mình phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ nên luôn nêu cao tính tiền phong, gương mẫu với cấp dưới, quần chúng; có uy tín và được dân tin, dân yêu... Do đó, việc trọng dụng, sử dụng cán bộ Quân đội là một trong những vấn đề cần quan tâm.

Khẳng định của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước, cũng chính là quan điểm xuyên suốt của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước. Với tư duy “dụng người như dụng mộc”, lựa chọn cán bộ phải có lợi cho tổ chức, cho nhiệm vụ chung để đặt “đúng người, đúng việc”. Vì vậy, nhiều địa phương trong tỉnh Bình Phước đã phát hiện, lựa chọn, bổ nhiệm hàng chục cán bộ Quân đội vào các vị trí chủ trì, chủ chốt.

Thực tế cho thấy, đón nhận vị trí công tác mới, các đồng chí cán bộ Quân đội thường xuyên học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ lãnh đạo, quản lý nhà nước trên nhiều lĩnh vực, góp phần quan trọng vào công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tạo nhiều đổi mới, bứt phá ở nơi công tác; nhất là ở những địa bàn miền núi, nơi diễn biến phức tạp về an ninh chính trị. Đồng chí Nguyễn Ngọc Hiền, Phó giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bình Phước nhận định: “Cán bộ Quân đội nói riêng, cán bộ trong LLVT nói chung khi được giữ cương vị chủ trì, chủ chốt ở địa phương thì hàng loạt lĩnh vực, nhiệm vụ, vấn đề lãnh đạo được phát huy tốt bởi những lợi thế về kiến thức, bản lĩnh, kinh nghiệm của những người từng hoạt động trong môi trường quân ngũ; nhất là trong chỉ đạo phát huy truyền thống; tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng; chỉ đạo xây dựng khu vực phòng thủ, tiềm lực quốc phòng, bảo đảm an ninh chính trị trên địa bàn...”.

Khảo sát đối với cán bộ cấp thôn, xã và người dân ở các huyện Đồng Phú, Bù Đốp, Bù Gia Mập, thị xã Bình Long và TP Đồng Xoài cho thấy: 89% đối tượng được khảo sát đánh giá cao những nỗ lực, đóng góp của cán bộ chủ chốt cấp huyện nguyên là cán bộ Quân đội được chuyển công tác. Các ý kiến ghi nhận về tác phong quần chúng, lối sống giản dị, gần dân; việc quyết đoán trong điều hành và nhất là tinh thần, thái độ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Trên cơ sở những kết quả đạt được, theo lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bình Phước, đến thời điểm hiện tại, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã phát hiện, quy hoạch một số đồng chí cán bộ Quân đội vào các vị trí chủ trì, chủ chốt các cấp nhiệm kỳ 2025-2030.

 “Dụng nhân như dụng mộc”

Để có kết quả trên, trong nhiều nhiệm kỳ qua, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Phước đặc biệt coi trọng và có kế hoạch phát hiện, lựa chọn, sử dụng cán bộ Quân đội trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Đặc biệt, Bình Phước nhất quán việc cơ cấu cứng chỉ huy trưởng tham gia Ban Thường vụ cấp ủy; chính ủy, chính trị viên tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ các cấp. Việc làm đó vừa đề cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ Quân đội, vừa tạo môi trường để cán bộ Quân đội đóng góp tốt nhất vào công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý ở địa phương. Hơn thế, chính trong quá trình công tác, được cùng làm việc sẽ giúp những người đứng đầu, người chủ trì cơ quan chức năng có điều kiện trao đổi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, hiểu rõ phẩm chất, năng lực, trình độ của cán bộ Quân đội. Đó là điều kiện quan trọng giúp cấp ủy các cấp đánh giá đúng cán bộ, xem xét, bổ nhiệm cán bộ Quân đội vào các vị trí công tác quan trọng trong bộ máy cầm quyền.

“Chúng tôi hiểu rằng, cán bộ dù hoạt động trên lĩnh vực gì, dù khối Đảng, khối Nhà nước hay trong LLVT thì đều là cán bộ của Đảng, do vậy, phải tạo ra “sân chơi công bằng” cho cán bộ nỗ lực phấn đấu, cống hiến. Bất kể là ai, nếu cán bộ thực sự bảo đảm các tiêu chí, tiêu chuẩn cho vị trí bổ nhiệm thì đều được xem xét, bổ nhiệm cương vị công tác tương xứng. Các cụ ta đã dạy: “Dụng nhân như dụng mộc” là như thế!”-đồng chí Giang Hồng Thái, Bí thư Chi bộ ấp 3, xã Tân Lập, huyện Đồng Phú khẳng định.

Với tinh thần đó, tỉnh Bình Phước không chỉ chú trọng chuyển ngành đối với cán bộ Quân đội sang giữ các vị trí lãnh đạo chủ trì, chủ chốt mà đồng thời coi trọng những giải pháp sử dụng họ vào các vị trí đòi hỏi chuyên môn cao, nghiệp vụ đặc thù. Đồng chí Hoàng Thị Hồng Vân, Chủ tịch UBND thị xã Bình Long bày tỏ: “Cán bộ Quân đội ở địa phương thường chịu nhiều thiệt thòi, đến cán bộ chủ trì cơ quan quân sự cấp huyện cũng chỉ nghỉ hưu ở trần quân hàm thượng tá (thường chỉ khoảng 54 tuổi). Đây là lứa tuổi “chín” trong công tác, so với cán bộ bên khối dân-chính-đảng thì vẫn còn đến 7 năm nữa mới nghỉ hưu. Do đó, nếu phát hiện cán bộ tốt, chúng tôi sẵn sàng đưa vào quy hoạch, bổ sung quy hoạch để sử dụng”.

Theo ý kiến số đông cán bộ cấp huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Bình Phước, trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều đơn vị Quân đội đóng quân, nhiều sĩ quan Quân đội nghỉ hưu ở trần quân hàm trung tá trở xuống nên thường chưa đến 50 tuổi. Trong khi, nhiều đồng chí sĩ quan, cả những đồng chí quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) công tác trong Quân đội có chuyên môn sâu, nghiệp vụ giỏi, có khả năng cống hiến ở một số lĩnh vực địa phương khuyết nhân sự thì rất đáng quan tâm, cân nhắc để lựa chọn, tiếp tục sử dụng. Việc làm này vừa có lợi cho tổ chức, vừa đúng với nguyện vọng và bảo đảm tốt quyền lợi cho cán bộ.

Với tư duy và cách làm đó, quả ngọt thu được trên thực tế đã thấy rõ. Ví như trường hợp đồng chí Nguyễn Anh Tài, từng là QNCN, cán bộ tài chính Ban CHQS huyện Bù Đốp chuyển sang làm Trưởng phòng Tài chính huyện Bù Đốp, phát triển lên Phó chủ tịch UBND huyện và nay giữ chứ Phó giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bình Phước. Hay như trường hợp của đồng chí Nguyễn Thanh Minh, từng là QNCN ở Ban CHQS huyện Bù Gia Mập đã chuyển ngành, trải qua nhiều cương vị khác nhau và phát triển giữ cương vị Phó chủ tịch HĐND huyện Phú Riềng...

Đề cao tính chủ động trong quy hoạch, sử dụng

Có một thực tế là các đồng chí cán bộ Quân đội được địa phương lựa chọn, sử dụng thường là những cán bộ đã có nhiều năm công tác trong Quân đội. Do quy định về độ tuổi nghỉ hưu của cán bộ Quân đội và cán bộ dân sự có độ chênh khá lớn nên công tác sử dụng cán bộ Quân đội chủ yếu được thực hiện từ độ tuổi tiệm cận nghỉ hưu. Vì vậy, công tác quy hoạch, sử dụng cán bộ Quân đội ở địa phương thường bị thụ động. Khắc phục tình trạng này, đại diện cấp ủy, chính quyền ở Bình Phước cho rằng: Về trước mắt, cơ quan chức năng địa phương sẽ tiếp tục làm tốt việc theo dõi, đánh giá cán bộ từ nguồn này, tích cực đề xuất, hiệp thương với cơ quan có thẩm quyền trong Quân đội về việc đề xuất nhân sự cụ thể. Việc làm này tất yếu phải tôn trọng quyết định của cấp ủy, tổ chức, đơn vị trong Quân đội và không gây ảnh hưởng đến công tác quy hoạch cán bộ trong Quân đội. Về lâu dài, công tác sử dụng cán bộ Quân đội ở địa phương cần được vận hành đồng bộ, toàn diện và đề cao tính chủ động. Thậm chí, trong điều kiện cho phép, có thể phát hiện những đồng chí có trình độ, năng lực quản lý nhà nước ngay từ lúc còn trẻ để quy hoạch cán bộ chủ trì, chủ chốt của địa phương.

Cùng với đó, việc bổ nhiệm cán bộ chủ trì, chủ chốt địa phương từ cán bộ Quân đội thường là nguồn tại chỗ; chủ yếu phát triển từ các ban CHQS huyện sang lãnh đạo tại chính huyện đó. Cách làm này có ưu điểm nhất định, nhưng về lâu dài, cần có những tính toán hợp lý hơn trong việc chuyển ngành và bổ nhiệm cán bộ Quân đội vào các vị trí chủ trì, chủ chốt ở nhiều địa phương khác nhau; bám sát nhu cầu sử dụng cán bộ của địa phương và phải phù hợp với năng lực, sở trường của từng người.

Liên quan đến phần việc này, lãnh đạo địa phương mong muốn cơ quan chức năng các cấp, nhất là ở cấp Trung ương cần sớm quan tâm nghiên cứu, hoàn thiện về mặt cơ chế; sớm tháo gỡ những vướng mắc về mặt tư duy trong công tác quy hoạch, sử dụng cán bộ quản lý nhà nước với đối tượng cán bộ Quân đội. Về phía địa phương, sẽ mạnh dạn phát hiện đề xuất nhân sự một cách chủ động, từ sớm, từ xa; phía Quân đội nên có cơ chế tạo điều kiện cho cán bộ Quân đội chuyển ngành; hoàn thiện các vấn đề liên quan đến pháp lý, cơ chế, chính sách để cán bộ không phải chịu thiệt thòi về quyền lợi khi chuyển ngành sang các vị trí công tác trong hệ thống chính trị của địa phương.

Đồng chí Vũ Tiến Điền khẳng định: Việc sử dụng cán bộ Quân đội tham gia công tác quản lý ở địa phương là hướng đi đúng, đã có những kết quả ban đầu. Tuy vậy, vấn đề quyết định vẫn nằm ở phía cán bộ. Từng đồng chí  phải không ngừng học tập, rèn luyện; không chỉ giỏi lãnh đạo, chỉ huy trên lĩnh vực hoạt động quân sự, quốc phòng mà còn phải am tường, hiểu biết nhiều lĩnh vực khác nhau; không chỉ thực hiện trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên trong Quân đội mà còn thực hiện tốt bổn phận công bộc của dân. Chỉ khi, cán bộ Quân đội thật sự tâm huyết, trách nhiệm, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, tiêu chí cần thiết thì tổ chức mới xem xét, sử dụng cán bộ một cách hợp lý.

Nhóm PV Báo QĐND

*Mời  bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.