Phát triển đáng kể về quy mô, số lượng tổ chức Đảng và đảng viên

Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 27-2-2012 về “Tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn từ nay đến năm 2020” là 1 trong 2 nghị quyết chuyên đề của Thành ủy Hà Nội khóa XV. Khi mới ra đời, nghị quyết khiến nhiều người băn khoăn về tính khả thi, khó đi vào cuộc sống.

Băn khoăn này hoàn toàn có cơ sở, khi thời điểm đó, Hà Nội có 117.740 doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước đăng ký hoạt động nhưng chỉ có 633 tổ chức đảng, 2.301 công đoàn cơ sở. Cùng với đó là những vướng mắc trong tư tưởng của doanh nghiệp về vai trò của tổ chức đảng; nhiều cấp ủy địa phương chưa nhìn nhận, đánh giá đúng việc phát triển đảng trong doanh nghiệp...

leftcenterrightdel

Hà Nội luôn quan tâm công tác xây dựng Đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước. Ảnh: Báo Hànộimới

Dù vậy, sau 10 năm nỗ lực thực hiện, đến nay, toàn thành phố có khoảng 343.885 doanh nghiệp đăng ký thành lập; 1.711 tổ chức đảng trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước, kết nạp 10.742 đảng viên, trong đó có 45 chủ doanh nghiệp tư nhân.

Các quận ủy đã thực hiện chủ trương, từng bước thành lập các đảng ủy khối doanh nghiệp nhằm quy tụ và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp trực thuộc. Hầu hết các đảng bộ đã có sự phát triển lớn mạnh đáng kể về quy mô, số lượng tổ chức đảng và đảng viên.

Trong 10 năm qua, Đảng ủy khối doanh nghiệp quận Đống Đa đã thành lập được 68 tổ chức đảng, kết nạp 120 đảng viên. Phó bí thư Thường trực Quận ủy Đống Đa Nguyễn Anh Cường cho biết, xác định việc phát triển Ðảng không chỉ là thành lập, kết nạp mới cho đủ chỉ tiêu mà quan trọng là phải duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động cho các tổ chức cơ sở đảng, Quận ủy không "khoán trắng" việc này cho Ðảng ủy Khối doanh nghiệp, mà Thường trực, Ban Thường vụ Quận ủy cùng tích cực tuyên truyền, vận động, theo dõi, bồi dưỡng từng chi bộ để đổi mới nội dung, phương thức phù hợp với hoạt động các doanh nghiệp.

Cùng với việc tiếp tục đẩy mạnh về phát triển về số lượng, Quận ủy Đống Đa luôn quan tâm chú trọng nâng cao chất lượng các tổ chức đảng, đoàn thể tại các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước; lãnh đạo hệ thống chính trị từ quận đến cơ sở hỗ trợ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp hoạt động, phát triển với những hoạt động thiết thực...

Tại quận Long Biên, để đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển Đảng, lãnh đạo quận thường xuyên gặp gỡ, trao đổi tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp để giải quyết những vấn đề khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để doanh nghiệp hoạt động, tháo gỡ về thủ tục hành chính.

Đồng thời, quận tổ chức các buổi trao đổi, tọa đàm về việc thành lập tổ chức đảng, các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước; thường xuyên tiến hành khảo sát, đánh giá tình hình hoạt động của các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước trên địa bàn quận, làm cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch phát triển tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp.

Cùng với việc mở rộng số lượng các tổ chức đảng và đảng viên, việc thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU cũng đã góp phần không nhỏ thay đổi trong nhận thức, tư tưởng của doanh nghiệp về vai trò, vị trí của công tác phát triển Đảng.

Tại Công ty Cổ phần Xây dựng và Sản xuất Việt Cường (huyện Thường Tín), từ chỗ chỉ có 3 đảng viên khi thành lập chi bộ, đến nay, đã có 17 đảng viên, là một trong 3 chi bộ có số lượng đảng viên đông nhất của Đảng bộ Khối Doanh nghiệp huyện Thường Tín.

Ông Nguyễn Hùng Cường, Bí thư Chi bộ Công ty Cổ phần Xây dựng và Sản xuất Việt Cường cho biết: “Chi bộ Công ty luôn thực hiện nghiêm túc việc tổ chức sinh hoạt định kỳ vào ngày 3-5 hàng tháng; giao mỗi đảng viên trong công ty phụ trách bộ phận do mình đang trực tiếp làm việc, báo cáo kết quả với chi bộ; đồng thời, cũng giao các đảng viên theo dõi, giúp đỡ những quần chúng ưu tú để xem xét, kết nạp Đảng viên mới".

leftcenterrightdel
Lễ kết nạp đảng viên tại Chi bộ Công ty Cổ phần Xây dựng và Sản xuất Việt Cường. Ảnh: Báo Hànộimới

Đáng kể, bên cạnh việc phát triển đảng viên tại đơn vị, có chi bộ còn được giao nhiệm vụ phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp chưa có tổ chức đảng. Điển hình như Công ty Cổ phần Vật tư, Thiết bị dầu khí Việt Nam (quận Long Biên) đã vận động cùng Ban Tổ chức - Cán bộ, Ban Tuyên giáo Đảng ủy mở lớp bồi dưỡng tìm hiểu về Đảng cho 49 quần chúng ưu tú và kết nạp được 8 đảng viên trong 4 doanh nghiệp khác trong Khu công nghiệp Hà Nội-Đài Tư.

Còn nhiều thách thức

Dù vậy, việc phát triển Đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước chưa bao giờ là việc dễ dàng khi nhiều doanh nghiệp tư nhân chỉ quan tâm đến việc làm sao sản xuất, kinh doanh đạt kết quả cao, bảo đảm thu nhập cho người lao động.

Một số Ban chỉ đạo quận, huyện hoạt động còn chưa hiệu quả, chưa có kế hoạch cụ thể, chi tiết; công tác rà soát, khảo sát cụ thể ở các doanh nghiệp chưa nhiều so với tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn. Vẫn còn một số cấp ủy Đảng, chính quyền nhận thức chưa đầy đủ về vai trò, vị trí của kinh tế tư nhân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước nên ít quan tâm, không nắm rõ tình hình doanh nghiệp, không tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.

leftcenterrightdel
Hà Nội biểu dương các doanh nghiệp có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU. Ảnh: Huy Dương

Ngoài ra, công tác Đảng tại các doanh nghiệp tư nhân còn nhiều khó khăn, hạn chế; chưa được cập nhật các thông tin đầy đủ, nhất là trong công tác tuyên truyền, vận động, các nội dung sinh hoạt chi bộ, định hướng công tác tư tưởng cho đảng viên trong các doanh nghiệp… Vai trò một số tổ chức đảng trong doanh nghiệp còn mờ nhạt và chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; chất lượng sinh hoạt chi bộ chưa cao, nội dung sinh hoạt còn sơ sài; năng lực, trình độ của một số cán bộ chuyên trách làm công tác này còn hạn chế, chưa tâm huyết với nhiệm vụ được giao…

Tại hội nghị gặp mặt, biểu dương chủ doanh nghiệp có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU mới đây, Phó bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” của Bộ Chính trị, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; cải cách thủ tục hành chính; phân cấp ủy quyền trong quản lý kinh tế xã hội; tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, trong đó, có các doanh nghiệp tư nhân.

Thành phố tiếp tục coi công tác phát triển Đảng là nhiệm vụ then chốt. Đây cũng là nhiệm vụ quan trọng đối với các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp. Việc phát triển được tổ chức đảng và các đoàn thể nhân dân là để đồng hành cùng doanh nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển bền vững hơn nữa.

Theo các chuyên gia, phát triển Đảng trước hết phải là nhu cầu tự thân. Tiếp đó, các trình tự, thủ tục cũng cần phải được thực hiện theo quy trình gọn nhẹ, phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp, công nhân. Tuy nhiên, không có sự thuyết phục nào bằng việc thực thi công vụ liêm chính, đồng hành cùng doanh nghiệp.

Cùng với giải pháp cải thiện mạnh mẽ hành chính công, cần quan tâm xây dựng nòng cốt trong công nhân, công đoàn tại các doanh nghiệp, đào tạo họ trở thành những nhân sự đảm nhận các vị trí quan trọng trong doanh nghiệp. Mặt khác, để tạo sự đồng thuận của chủ doanh nghiệp, tổ chức cơ sở đảng, từng đảng viên tại doanh nghiệp phải chứng minh được sự có mặt của Đảng, đảng viên là điều đúng đắn, tính quy luật. Vì vậy, một mặt chúng ta cần đẩy mạnh thành lập tổ chức đảng, phát triển đảng viên, một mặt cũng cần đào tạo một đội ngũ để lãnh đạo, quản lý ở các doanh nghiệp về chiều sâu.

GIA LINH