Một là, Đại hội XIII của Đảng vừa diễn ra thành công rất tốt đẹp. Bài viết của Tổng Bí thư nhằm tiếp tục hướng dẫn toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta hiểu rõ hơn chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Đây là thành tựu rất quan trọng về nhận thức lý luận qua 35 năm đổi mới. Đồng thời cũng định hướng cho công tác xây dựng Đảng về tư tưởng lý luận, được làm rõ tại Đại hội XIII vừa qua.

Hai là, bài viết của Tổng Bí thư công bố trong thời điểm lịch sử, khi đất nước chúng ta kỷ niệm 131 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890-2021), kỷ niệm 110 năm Ngày Bác ra đi tìm đường cứu nước (1911-2021) và 80 năm Ngày Bác trở về Tổ quốc lãnh đạo cách mạng Việt Nam (1941-2021). Từ những sự kiện quan trọng đó, Tổng Bí thư khẳng định, chúng ta đang đi trên con đường đúng, mà Đảng và Bác Hồ đã đề ra từ thập niên 1930. Đồng thời, vấn đề về nhận thức chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội này vừa phải dựa chắc vào lý luận khoa học của Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

leftcenterrightdel
 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: TTXVN

Ba là, Tổng Bí thư công bố bài viết trước thềm bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV. Đây là nhiệm kỳ có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Nó không phải như các khóa bình thường, bởi vì Đại hội XIII của Đảng đã mở ra thời kỳ phát triển mới của đất nước. Các vấn đề không chỉ nêu ra quyết sách cho nhiệm kỳ 2021-2026, mà còn cho những vấn đề lớn, lâu dài hướng tới năm 2030, tầm nhìn năm 2045. Do đó, Quốc hội khóa XV có nhiệm vụ thể chế hóa những quan điểm của đại hội, đồng thời hoàn thiện nhà nước pháp quyền, hoàn thiện hệ thống pháp luật, để thúc đẩy đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trình bày một cách có hệ thống nhận thức về chủ nghĩa xã hội. Cụ thể, Tổng Bí thư không phải nêu lại 8 đặc trưng chủ nghĩa xã hội trong Cương lĩnh năm 2011, mà trình bày các đặc trưng đó một cách logic, khoa học và rất thực tiễn, để làm rõ hơn nhận thức về chủ nghĩa xã hội.

Theo đó, nhận thức về chủ nghĩa xã hội của nước ta vừa phải bảo đảm dựa trên nền tảng của chủ nghĩa xã hội khoa học, được C.Mác, Ph.Ăngghen và V.Lênin đã trình bày và sau này Chủ tịch Hồ Chí Minh phát triển, nhưng đồng thời phải phát triển một cách sáng tạo trong tình hình mới.

Trong bài viết, Tổng Bí thư trình bày về nhận thức của chủ nghĩa xã hội vừa mang tính khoa học, vừa mang tính thực tiễn-thực tế. Nó phản ánh hiện thực đất nước đang phát triển và đồng thời cũng phản ánh hiện thực của thời đại. Đặc biệt là sau thất bại của mô hình chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu và Liên Xô. Tất cả cần nhận thức lại một cách rõ hơn, đồng thời phải kế thừa những thành tựu phát triển của nhân loại và của thời đại, kể cả những thành tựu mà chủ nghĩa tư bản đã đạt được...

Bài viết của Tổng Bí thư đã nhìn nhận từ tất cả thực tiễn của đất nước, của thế giới và thời đại, trình bày có tính thuyết phục về nhận thức chủ nghĩa xã hội và hoàn toàn không cứng nhắc như trước đây.

Ngoài ra, một vấn đề quan trọng nữa được Tổng Bí thư nhấn mạnh là tiếp tục kiên định Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong sự phát triển sáng tạo. Bởi vì nếu không trung thành và kiên định thì không thể có định hướng đúng đắn để phát triển đất nước. Nhưng nếu không phát triển sáng tạo, sẽ dẫn đến trì trệ, khô cứng, giáo điều hay duy ý chí.

Cho nên trong nhận thức lý luận, trong đó có lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, phải ngày càng làm sáng tỏ hơn. Đây là nhận định hết sức quan trọng mà Đại hội XIII đã kế thừa các đại hội trước.

Nhận thức về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là một khía cạnh quan trọng trong bài viết. Trước đây, chúng ta hay gọi là “thời kỳ quá độ” đi lên chủ nghĩa xã hội. Trong Cương lĩnh của Đảng cũng gọi là cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Trong bài viết này, Tổng Bí thư đã nêu rõ nhận thức, để cùng thống nhất trong toàn Đảng và toàn xã hội.

Theo đó, nhận thức về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, trước hết xem đó là chặng đường lâu dài, và xây dựng chủ nghĩa xã hội là quá trình rất khó khăn phức tạp, vừa phải làm, vừa phải tổng kết lý luận và thực tiễn.

Chúng ta hình dung rằng, thời kỳ quá độ hay con đường đi lên chủ nghĩa xã hội sẽ rất lâu dài, trải qua nhiều chặng đường, bước tiến khác nhau. Mỗi chặng đường có nhiệm vụ cụ thể trong 5 năm, 10 năm hay 20 năm. Và phải giải quyết mối quan hệ giữa mục tiêu chiến lược lâu dài-mục tiêu cuối cùng của chủ nghĩa xã hội với những mục tiêu cụ thể trước mắt.

Với những vấn đề cụ thể đặt ra trước mắt, Tổng Bí thư nhắc nhở không nên lẫn lộn giữa mục tiêu cuối cùng-khi chúng ta xây dựng chủ nghĩa xã hội thành công, với những nhiệm vụ đặt ra theo từng giai đoạn. Qua từng bước, từng giai đoạn mới hoàn thiện được.

Ngoài ra, Tổng Bí thư cũng nhắc đến việc bỏ qua chủ nghĩa tư bản, cụ thể là bỏ qua quan hệ sản xuất tư bản và kiến trúc thượng tầng của chế độ tư bản. Song chúng ta vẫn kế thừa những thành tựu tiến bộ của chủ nghĩa tư bản.

Một vấn đề nữa trong con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là chế độ sở hữu như thế nào. Hiện chúng ta có 3 hình thức sở hữu: Nhà nước, tập thể và tư nhân. Theo đó, các thành phần kinh tế, trong đó kinh tế tư nhân có vai trò quan trọng.

Các mô hình quản lý xã hội, phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội cần xem xét thế nào cho phù hợp. Mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với việc thực hiện các chính sách xã hội, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội như thế nào... Đó là những vấn đề đặt ra trên bước đường đi lên chủ nghĩa xã hội cần được giải quyết.

PGS, TS NGUYỄN TRỌNG PHÚC, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh)