Trong bài viết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: "Hệ thống quyền lực đó vẫn chủ yếu thuộc về thiểu số giàu có và phục vụ cho lợi ích của các tập đoàn tư bản lớn. Một bộ phận rất nhỏ, thậm chí chỉ là 1% dân số, nhưng lại chiếm giữ phần lớn của cải, tư liệu sản xuất, kiểm soát tới 3/4 nguồn tài chính, tri thức và các phương tiện thông tin đại chúng chủ yếu và do đó chi phối toàn xã hội. Đây chính là nguyên nhân sâu xa dẫn đến phong trào "99 chống lại 1" diễn ra ở Mỹ đầu năm 2011 và nhanh chóng lan rộng ở nhiều nước tư bản".

Đã 10 năm trôi qua và nhìn lại một cách tổng thể về phong trào Chiếm lấy phố Wall, chúng ta càng sáng tỏ rất nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn.

Đốm lửa nhỏ thắp sáng cả khu rừng

“Chiếm lấy phố Wall” (Occupy Wall Street - OWS) là một cuộc biểu tình do nhóm chống chủ nghĩa tiêu thụ Adbusters Canada phát động từ ngày 17-9-2011 tại công viên Zuccotti, New York. Sự kiện này được cho là lấy cảm hứng từ phong trào Mùa xuân Arab đang diễn ra ở Trung Đông và Bắc Phi cùng lúc đó.

Từ sáng sớm, hàng trăm người biểu tình đã tràn vào ngả đường chính dẫn tới Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. Họ cố tìm cách chặn các lối đi và giao thông trên đường.

leftcenterrightdel
Chỉ sau vài tuần phát động, phong trào đã lan ra hàng chục tiểu bang ở Mỹ, rồi đến hàng trăm thành phố ở nhiều nước trên thế giới. Ảnh: AFP  

Cảnh sát chạy xe máy, ngựa và xe hơi nhanh chóng hốt gọn những người biểu tình gây rối. Khi đoàn người bị xé lẻ, họ chia ra thành các nhóm nhỏ theo các hướng khác nhau rồi chơi trò vờn nhau với cảnh sát. Một số tìm cách chặn cửa các ngân hàng lớn như Bank of America hay JPMorgan Chase, nhưng đều nhanh chóng bị bắt giữ và đưa đi. Tính đến cuối ngày 17-9 đã có khoảng 150 người biểu tình bị bắt.

Sau khi diễn ra tại khoảng 70 thành phố ở 600 cộng đồng dân cư trên khắp nước Mỹ với những phiên bản khác như: Chiếm lấy Boston, Washington, Los Angeles và San Francisco, phong trào đã lan rộng tới nhiều nước trên thế giới với hàng loạt cuộc tuần hành diễn ra tại 1.500 thành phố của 82 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc năm châu lục như London (Anh), Frankfurt (Đức), Rome (Italy), Seoul (Hàn Quốc), Sydney (Australia) và Tokyo (Nhật Bản).

leftcenterrightdel
Mục đích ban đầu của người biểu tình chỉ nhằm chống sự bất bình đẳng thu nhập trong xã hội. Ảnh: Dailymail.co.uk 

Cụ thể, khoảng 6.000 người biểu tình bên ngoài trụ sở Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) ở Frankfurt, Đức; 200.000 nghìn người tham gia biểu tình, đập vỡ cửa sổ các ngân hàng, cửa hiệu và đốt cháy ô tô tại Roma, Italy. Tại Tokyo, Nhật Bản, hàng trăm người đã đổ ra đường phố bày tỏ sự ủng hộ các cuộc biểu tình ở Mỹ, đồng thời lên án các ngân hàng phá hoại nền kinh tế toàn cầu và đẩy hàng triệu người vào cảnh đói nghèo.

Tuy nhiên, "Chiếm lấy phố Wall" cũng không tồn tại được lâu. Nhiều nhà quan sát chính trị nhận định ngay khi ở đỉnh cao, OWS đã xuất hiện những dấu hiệu rạn nứt. Những yếu tố được xem là điểm mạnh của OWS như cởi mở, tự do, không có một cơ cấu tổ chức nhất định đã trở thành điểm yếu cốt tử. Trong một năm kể từ khi trỗi dậy từ một công viên nhỏ ở New York và lan rộng khắp toàn cầu, OWS vẫn chưa có một định hướng cụ thể. Phong trào lan rộng quá nhanh mà không hề có lãnh đạo hay cương lĩnh cụ thể để kết dính họ. Phong trào này cơ bản tan rã vào năm 2012, sau khi không đạt được mục đích nào cụ thể.

Lớp “tro tàn” vẫn âm ỉ cháy

Sau phong trào “Chiếm lấy phố Wall”, một số phong trào biểu tình khác cũng diễn ra. Mặc dù quy mô không rộng khắp và lan sang nhiều quốc gia như “Chiếm lấy phố Wall”, nhưng nhiều sự kiện vẫn thu hút được sự chú ý của cộng đồng quốc tế.  

Cuối năm 2014, lục địa già chao đảo khi hàng trăm nghìn người dân khắp nơi từ Bỉ, tới Pháp rồi Đức đã đổ ra đường phản đối các chính sách mới, đặc biệt là các quyết định tạm ngưng tăng lương công chức, tăng độ tuổi về hưu của giáo viên và cảnh sát, huỷ bỏ hoặc giảm quy mô một số dự án đầu tư từ ngân sách công; phản đối sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu giá rẻ, yêu cầu chính phủ hỗ trợ ngay ngành nông nghiệp đang bị ảnh hưởng của việc Nga cấm nhập khẩu nông sản từ Liên minh châu Âu (EU); hay đòi tăng lương, giảm giờ làm cho công nhân. Làn sóng biểu tình như hồi chuông cảnh báo, buộc các nước EU phải điều chỉnh chính sách cho phù hợp để không chỉ ổn định an ninh chính trị, mà còn thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, xây dựng đất nước trong xu thế cạnh tranh khốc liệt hiện nay.

Cũng tại châu Âu, trung tuần tháng 11-2018, những người trong trang phục áo vàng (màu áo gi-lê trang bị cho lái xe của Pháp) đã xuống đường biểu tình phản đối quyết định tăng thuế môi trường đối với xăng dầu của chính quyền Paris. Khác với trước đây, cuộc biểu tình của những người “áo vàng” đã được đông đảo tầng lớp trung lưu và người lao động Pháp tham gia, trở thành làn sóng biểu tình làm “rung động” đất nước hình lục lăng. Không chỉ vậy, nó còn tạo “hiệu ứng domino” làm bùng nổ làn sóng biểu tình quy mô lớn của những người được cho là “cùng cảnh ngộ” ở một loạt nước châu Âu khác, như: Đức, Anh, Áo, Italy, Bỉ, Hà Lan, Thụy Điển.

leftcenterrightdel
Người biểu tình "Áo vàng" tập trung tại thủ đô Paris, Pháp. Ảnh: Reuters. 

Trước khi hỗn loạn bởi đại dịch Covid-19, thủ đô New Delhi của Ấn Độ cũng một phen nháo nhác bởi nhiều cuộc biểu tình với hàng chục nghìn người nông dân phản đối dự luật nông nghiệp gây tranh cãi, thay đổi các quy định lâu năm đã chi phối ngành nông nghiệp. Hiện tại, do dịch Covid-19 đang lây lan, nước này sau đó áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội, nên cuộc biểu tình cũng vì thế mà tự tan rã.

Khi nào thì biểu tình kết thúc và câu hỏi có lẽ hợp lý hơn là nó sẽ kết thúc như thế nào? Không ai biết được câu trả lời. Chúng ta không hề thấy bất cứ dấu hiệu nào về sự kết thúc của cuộc đấu tranh trên các đường phố tại rất nhiều quốc gia. Bởi chỉ cần còn bất công và sự bất bình đẳng, khi ấy phong trào “Chiếm lấy phố Wall” sẽ lại tái diễn, một lần nữa!

Tiếng nói của 99%

Quay trở lại với Phong trào “Chiếm lấy phố Wall”, trên khắp các con phố, người biểu tình đồng loạt giơ cao những biểu ngữ “Chúng tôi thuộc 99%”. Điều này muốn ám chỉ 99% người lao động trực tiếp làm ra của cải nhưng đang sống bấp bênh, chật vật ngay tại cường quốc kinh tế số một thế giới.

Hầu hết những người tham gia “Chiếm lấy phố Wall” từ ngày đầu là những thanh niên trí thức bất mãn khi họ phải đối mặt với chất lượng sống tồi tệ hơn so với thế hệ ông bà, cha mẹ của họ. Họ phải sống trong một thời kỳ khó khăn: Khó khăn trong việc tìm việc làm, được chăm sóc y tế và trả các khoản nợ học phí khổng lồ cho trường đại học. Một số thanh niên còn là người vô gia cư. Họ là một phần trong số gần 50 triệu người Mỹ đang phải tìm cái ăn từng bữa (CBS TV News đưa tin ngày 21-10-2011).

Eric Sutherland, 26 tuổi, sinh viên tốt nghiệp đại học ở New York nhưng đến nay vẫn chưa tìm được việc làm, khẳng định trong 26 năm cuộc đời của mình, anh nhận ra một điều chắc chắn rằng Chủ nghĩa tư bản không phải đang thất bại mà đã thất bại và nước Mỹ cũng như toàn thế giới cần một xã hội vì con người, một xã hội nhân đạo, xã hội Xã hội chủ nghĩa.

Báo New York Times của Mỹ cũng phỏng vấn rất nhiều người biểu tình khác và đa số họ khẳng định: Chúng tôi cần một thế giới khác, không phải thế giới mà ở đó các tập đoàn tư bản có tất cả và thâu tóm cả Chính phủ.

leftcenterrightdel
Hàng trăm người biểu tình đã tràn vào ngả đường chính dẫn tới Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. Nguồn: CNN 

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon lúc đó cũng bày tỏ sự cảm thông với những người biểu tình và cho rằng một số vấn đề có thể sẽ được các chính phủ xem xét. Theo ông, những gì đang diễn ra trên khắp thế giới, bắt đầu từ Phố Wall, cho thấy người dân đang thể hiện nỗi thất vọng và cố gắng gửi một thông điệp rất rõ ràng và dễ hiểu đến toàn thế giới, đó là: Họ sẽ không ngồi yên để một lần nữa hứng chịu những hậu quả của cuộc suy thoái kinh tế, hứng chịu những bất công ở ngay tại đất nước vốn đề cao dân chủ và sự công bằng.

Nhà phân tích Wucker thì chỉ ra rằng, cuộc biểu tình nảy sinh do những những vấn đề kinh tế, chính trị và xã hội tích tụ và không được giải quyết. Do đó, phong trào “Chiếm lấy phố Wall” là một nỗ lực đẩy ý nghĩa của tầng lớp dân thường nhằm gây ảnh hưởng tới quá trình hoạch định chính sách. Trong khi đó, Jean Cohen, Giáo sư Chính trị học và John Dinges, Giáo sư Khoa báo chí của Đại học Columbia khẳng định phong trào biểu tình ở Mỹ sẽ tác động lâu dài tới các nhà làm luật Mỹ và cuối cùng, buộc họ phải có những bước đi đúng.

leftcenterrightdel
Người biểu tình với khẩu hiệu: “Chiếm lấy phố Wall” vì một thế giới tốt hơn. Ảnh: Reuters. 

Ngay sau khi xảy ra cuộc biểu tình đầu tiên chiếm giữ phố Wall, Tổng thống Barack Obama đã đưa ra đề xuất tăng thuế đối với người giàu, nhằm đảm bảo những triệu phú cũng sẽ đóng một mức thuế tối thiểu bằng với tầng lớp trung lưu, hay còn gọi là thuế “Buffet”.

Tuy nhiên, sự bất bình đẳng nghiêm trọng nhất tại Mỹ không phải là thu nhập mà là tài sản. Thực tế cho thấy: Nhóm 1% những người giàu nhất nước Mỹ chiếm khoảng 21% thu nhập quốc dân (GDP), nhưng lại sở hữu tới 35% tổng tài sản quốc gia.

Bởi vậy, việc tăng thuế suất đối với những người giàu như Tổng thống Obama đã làm lúc đó chỉ là cái ngọn của vấn đề. Cái gốc, theo họ, phải đánh thuế vào tài sản của những người giàu và quan trọng hơn vẫn là phải có chính sách để đưa lại sự công bằng cho toàn xã hội.

Dù không thể thay đổi được cục diện, nhưng Phong trào “Chiếm lấy phố Wall” cũng đã gióng một hồi chuông cảnh tỉnh đến các nước tư bản chủ nghĩa rằng, chính sách kinh tế phải gắn với an sinh xã hội, phát triển kinh tế phải gắn với công bằng xã hội. Sự phân hóa giàu nghèo, phân tầng xã hội quá mức sẽ đưa lại hậu quả khôn lường.

LAM ANH – VĂN HIẾU 

 (còn nữa)