Từ đầu năm 2022 đến nay, lực lượng nghiệp vụ và pháp luật (LLNV&PL) Cảnh sát biển (CSB) Việt Nam đã đấu tranh thành công nhiều chuyên án lớn, được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Ban chỉ đạo (BCĐ) 389 quốc gia, BCĐ 1389 Bộ Quốc phòng gửi thư khen, tặng bằng khen. 

Đại tá Vũ Trung Kiên, Phó tư lệnh Pháp luật CSB Việt Nam trao đổi với phóng viên (PV) Báo Quân đội nhân dân về những bài học kinh nghiệm để tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật (VPPL) trên biển.

PV: Từ đầu năm 2022 đến nay, LLNV&PL CSB đã đấu tranh thành công nhiều chuyên án lớn. Vậy kết quả nổi bật đã đạt được như thế nào, thưa đồng chí?

Đại tá Vũ Trung Kiên: Trước diễn biến tình hình tội phạm, VPPL trên biển có chiều hướng phức tạp trở lại sau khi dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, Đảng ủy, Bộ tư lệnh (BTL) CSB đã chỉ đạo toàn lực lượng đồng loạt ra quân, triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp nghiệp vụ, xây dựng kế hoạch, xác lập nhiều chuyên án nhằm đấu tranh hiệu quả với các tổ chức, đường dây, đối tượng VPPL trên biển, đặc biệt là tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép.

Kết quả, từ đợt cao điểm đấu tranh trấn áp tội phạm, vi phạm trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần đến nay, các đơn vị CSB đã đấu tranh, triệt phá thành công hơn 230 vụ án, chuyên án với gần 400 đối tượng; tịch thu tang vật hơn 400 tấn than, 97.300 lít xăng, hơn 1,7 triệu lít dầu DO và FO, 466,6kg pháo; 41 bánh heroin, gần 50.000 viên và 63,42kg ma túy tổng hợp... 

Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính và tịch thu, phát mại hàng hóa nộp ngân sách nhà nước hơn 40 tỷ đồng. CSB cũng đã phát hiện, phối hợp với chính quyền các địa phương, cơ quan chức năng và lực lượng thực thi pháp luật trên biển của các nước tiếp giáp bắt giữ, xử lý 29 vụ/48 tàu/362 ngư dân vi phạm về đánh bắt trái phép...

Một số chuyên án, vụ án nổi bật mà CSB đã triệt phá thành công là: Bắt giữ tàu Đức Minh 06 vận chuyển trái phép 97.300 lít xăng và 67.200 lít dầu DO; đấu tranh thành công Chuyên án 201HT, bắt 3 đối tượng, thu giữ gần 10.000 viên ma túy tổng hợp; bắt giữ tàu TG-91678 TS vận chuyển trái phép hơn 127.000 lít dầu DO...

 Tổ công tác của Vùng Cảnh sát biển 4 bắt giữ tàu cá TG 93798 TS chở hơn 70.000 lít dầu DO không có hóa đơn, chứng từ, ngày 2-6-2022. Ảnh: NHÂN MẪN.

PV: Thưa đồng chí, để có được kết quả đó, BTL CSB đã triển khai những giải pháp gì?

Đại tá Vũ Trung Kiên: Có được kết quả trên là nhờ sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ từ các cấp lãnh đạo, chỉ huy đến mỗi cán bộ, chiến sĩ trong toàn lực lượng, đặc biệt là LLNV&PL. Đảng ủy CSB đã ra nghị quyết chuyên đề lãnh đạo toàn lực lượng tập trung triển khai các biện pháp đấu tranh phòng, chống vi phạm, tội phạm; Tư lệnh CSB ban hành chỉ thị và BCĐ 1389 CSB có kế hoạch triển khai, tổ chức thực hiện rất quyết liệt.

Theo đó, các đơn vị CSB rà soát, đánh giá toàn diện tình hình liên quan đến hoạt động VPPL trên biển, xác định rõ đối tượng, thời gian, lĩnh vực, địa bàn trọng điểm để bố trí, triển khai lực lượng, phương tiện đấu tranh. BTL CSB tăng cường lực lượng, phương tiện xuống các hướng địa bàn trọng điểm, trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn và phối hợp với các đơn vị CSB điều tra cơ bản, xây dựng kế hoạch, chuyên án đấu tranh chặt chẽ, hiệu quả; tăng cường phối hợp với các lực lượng liên quan như Bộ đội Biên phòng, công an... để trao đổi, phối kiểm, nhận định, đánh giá tình hình, đấu tranh, ngăn chặn vi phạm, tội phạm.

Các đơn vị CSB còn chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương, các ban, ngành, đoàn thể nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, gắn với phát động phong trào quần chúng tham gia đấu tranh, tố giác tội phạm. Đồng thời, CSB tăng cường hợp tác quốc tế, thường xuyên trao đổi thông tin qua đường dây nóng và trao đổi trực tiếp với lực lượng bảo vệ biển các nước tiếp giáp; trên cơ sở các văn bản hai bên đã ký kết để phối hợp đấu tranh, ngăn chặn, xử lý vụ việc ngay trên biển.

 PV: Bài học kinh nghiệm rút ra qua đợt đấu tranh phòng, chống tội phạm, VPPL trên biển vừa qua là gì, thưa đồng chí?

Đại tá Vũ Trung Kiên: Bên cạnh những giải pháp tôi vừa nêu, bài học kinh nghiệm đầu tiên chúng tôi rút ra là phải bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, BCĐ 389 quốc gia, BCĐ 1389 Bộ Quốc phòng; trên cơ sở đó đề ra chủ trương, biện pháp sát đúng, phù hợp với tình hình thực tiễn và lực lượng, phương tiện của đơn vị.

Đồng thời, chủ động triển khai các biện pháp nghiệp vụ, nắm, đánh giá, dự báo sát đúng tình hình, diễn biến hoạt động của các đối tượng, làm tốt công tác nghiệp vụ cơ bản để phát hiện từ sớm, từ xa những đường dây, đối tượng vi phạm, làm cơ sở xây dựng chuyên án, kế hoạch đấu tranh.

Cùng với đó, phải chú trọng làm tốt công tác lãnh đạo về chính trị tư tưởng, xây dựng bản lĩnh, ý chí quyết tâm cao cho cán bộ, chiến sĩ, nhất là trước mỗi đợt ra quân đấu tranh trấn áp tội phạm, vi phạm; tạo sự đồng thuận từ trên xuống dưới, quyết tâm đấu tranh đến cùng. Các đơn vị tập trung làm tốt công tác bảo vệ nội bộ, không để cán bộ, chiến sĩ bao che, tiếp tay cho đối tượng VPPL; duy trì hiệu quả việc sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm sau mỗi chuyên án, vụ việc và kịp thời động viên, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc.

PV: Theo đồng chí, thời gian tới, tình hình tội phạm, VPPL trên biển sẽ diễn biến ra sao? Lực lượng CSB gặp khó khăn gì trong công tác đấu tranh với tội phạm, vi phạm?

Đại tá Vũ Trung Kiên: Sau thời gian dài các nước thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, nay dịch cơ bản đã được kiểm soát, các hoạt động kinh tế-xã hội dần hồi phục; cùng với đó là những tác động của tình hình thế giới tạo ra sự mất cân đối cung-cầu, khan hiếm một số mặt hàng, như: Xăng dầu, khoáng sản, nguyên liệu sản xuất... dẫn đến tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, vi phạm trên biển diễn biến theo chiều hướng phức tạp hơn. Các đối tượng sẽ tìm mọi cách, dùng mọi thủ đoạn tinh vi để đối phó với lực lượng thực thi pháp luật.

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ trong bối cảnh có nhiều thách thức trên, CSB gặp một số khó khăn, như: Lực lượng, phương tiện còn mỏng, hoạt động trong vùng biển rộng, điều kiện khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, biến đổi thất thường như gió mùa, dông bão, sương mù...; đối tượng vi phạm thường xuyên thay đổi quy luật, phương thức hoạt động ngày càng tinh vi, sử dụng phương tiện công suất lớn, trang thiết bị hiện đại để “qua mặt” lực lượng chức năng và sẵn sàng dùng vũ khí chống trả khi bị kiểm tra, bắt giữ...

PV: Trước tình hình phức tạp và những khó khăn như vậy, BTL CSB sẽ làm gì để tiếp tục đấu tranh hiệu quả với tội phạm, VPPL trên biển?

Đại tá Vũ Trung Kiên: Lực lượng CSB luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng. Những chiến công, thành tích của CSB vừa qua được lãnh đạo các cấp, các ngành và nhân dân ghi nhận, biểu dương kịp thời là nguồn động viên rất lớn, tạo sức mạnh tinh thần, khích lệ cán bộ, chiến sĩ CSB tiếp tục phấn đấu vươn lên, thêm quyết tâm đấu tranh đến cùng với các loại tội phạm, vi phạm trên biển.

Cùng với việc phát huy những biện pháp, cách làm hiệu quả trong thời gian qua, BTL CSB tiếp tục xây dựng kế hoạch tăng cường đấu tranh với tội phạm, vi phạm trên biển; thành lập các đoàn công tác đi kiểm tra, nắm tình hình, làm việc với lực lượng chức năng, cấp ủy, chính quyền các địa phương ven biển để thống nhất đánh giá, dự báo tình hình.

Trên cơ sở đó, tham mưu cho BCĐ 389 quốc gia và Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, BCĐ 1389 Bộ Quốc phòng các chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo theo hướng huy động sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, các lực lượng, chính quyền địa phương, sự vào cuộc của hệ thống chính trị cơ sở và phát huy sức mạnh của quần chúng nhân dân trong đấu tranh trấn áp tội phạm, vi phạm trên biển. Tiếp tục chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch, xác lập chuyên án đấu tranh bóc gỡ một số đường dây tội phạm có tổ chức, quy mô lớn để trừng trị nghiêm minh trước pháp luật, nhằm răn đe các đối tượng.

Mặt khác, lực lượng CSB đẩy mạnh thực hiện hiệu quả hơn nữa Đề án tuyên truyền Luật CSB Việt Nam với những hình thức, biện pháp mới, gắn với nâng cao hiệu quả các chương trình: “CSB đồng hành với ngư dân”, “CSB với đồng bào dân tộc, tôn giáo” và Cuộc thi “Em yêu biển, đảo quê hương”...

Qua đó, tăng cường tuyên truyền, vận động ngư dân vươn khơi bám biển, tích cực cung cấp thông tin, tố giác vi phạm, góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” trên biển, chung tay cùng lực lượng CSB giữ vững an ninh, trật tự trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc. BTL CSB cũng tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng trong nước và các tổ chức quốc tế, tổ chức thành công Chương trình giao lưu “CSB Việt Nam và những người bạn” với sự tham dự của lực lượng thực thi pháp luật trên biển các nước liền kề để tạo sự phối hợp ngày càng chặt chẽ, cùng đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm, vi phạm trên biển, xây dựng vùng biển hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển. 

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

QUANG NHÂM (thực hiện)