Chủ cơ sở này là chị Phạm Thị Giang, Giám đốc Công ty TNHH Chế biến và Xuất khẩu nông lâm sản Lạng Sơn, đã dành nhiều công sức, tâm huyết để lan tỏa hương hoa hồi xứ Lạng ra thế giới. Theo chia sẻ của chị Giang, cây hồi được trồng ở một số tỉnh phía Bắc nước ta, nhưng hoa hồi Lạng Sơn vẫn được đánh giá là sản phẩm có chất lượng tốt nhất, hàm lượng tinh dầu cao và đặc biệt trong tinh dầu không có độc tố. Tinh dầu hồi là nguyên liệu quý sản xuất thuốc xoa bóp, tiêu hóa, chế biến đồ mỹ phẩm, hương liệu. Bột hoa hồi rất thích hợp cho việc làm bánh và là gia vị chủ yếu trong nhiều công thức nấu ăn. Ở phương Tây, tinh dầu hồi thường được cho vào một số loại rượu vang và là một loại hương vị trong các món tráng miệng và món nướng. Trong y học cổ truyền, hoa hồi giúp cho việc kích thích tiêu hóa, dùng để điều trị và giảm đau bụng.

“Hơn 10 tuổi, tôi đã theo chị em và chúng bạn đi vào rừng hái hoa hồi để bán. Qua năm tháng, tôi hiểu rõ giá trị kinh tế của cây hồi cũng như những bất cập trong việc thu mua hoa hồi của tiểu thương. Từ đó, tôi nung nấu quyết tâm phải làm chủ khâu cung ứng và sớm đưa hoa hồi tiếp cận với thị trường nước ngoài”, chị Giang chia sẻ.

Khách dừng nghỉ tại "Điểm đến hoa hồi Lạng Sơn" của Công ty TNHH Chế biến và Xuất khẩu nông lâm sản Lạng Sơn. 

Năm 2011, sau khi đã tích lũy đủ kinh nghiệm và có chút vốn, chị Phạm Thị Giang quyết định thành lập Công ty TNHH Chế biến và Xuất khẩu nông lâm sản Lạng Sơn, rồi liên kết với một doanh nghiệp ở Hà Nội để thu mua hoa hồi. Công việc bước đầu khá thuận lợi, sản phẩm không chỉ được tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu. Đến năm 2013, chị rút ra hoạt động độc lập. Quãng thời gian sau đó, chị lăn lộn tại hàng trăm hội chợ trong và ngoài nước để giới thiệu về sản phẩm hoa hồi. Năm 2015, Công ty được chính quyền địa phương giao 300ha cây hồi liên doanh với người dân.

Cũng trong năm đó, từ việc thường xuyên tham gia các hội chợ, Công ty đã ký được hơn 50 hợp đồng xuất khẩu hoa hồi. Nhưng đúng vào lúc chị nghĩ về những thành công và bước phát triển mới thì khó khăn ập đến. Thương lái nước ngoài sang thu mua và đẩy giá hoa hồi lên rất cao, trong khi đó, sản phẩm tích trữ của Công ty chỉ đáp ứng được 10% hợp đồng đã ký kết. Không thể vi phạm hợp đồng, không thể để mất uy tín với thị trường quốc tế, chị thế chấp, vay mượn tất cả những nơi có thể để thu mua hoa hồi hoàn tất hợp đồng.

Thêm một bài học, chị quyết định thay đổi. Ngoài ký hợp đồng chặt chẽ với bà con để thu mua hoa hồi, Công ty đã nghiên cứu và chế biến ra 30 sản phẩm từ hoa hồi. Với mục tiêu đường dài, chị Giang cùng con gái vừa tốt nghiệp Trường Đại học Thương mại tiếp tục tìm đến các hội chợ nước ngoài để giới thiệu sản phẩm cũng như hoàn thiện những giấy tờ với tiêu chuẩn rất cao về sản phẩm mà các nước đề ra. Chị Phạm Thị Giang nhớ lại: “Đó là những ngày chúng tôi phải căng mình đáp ứng yêu cầu của đối tác. Họ sang tận nơi thẩm định với yêu cầu cao. Sau rất nhiều nỗ lực, chúng tôi cũng có được “tấm vé vàng” để đưa hoa hồi, các sản phẩm từ hoa hồi đến thị trường Nhật Bản, Ấn Độ...”.

Hiện nay, Công ty TNHH Chế biến và Xuất khẩu nông lâm sản Lạng Sơn đã ký hợp tác liên doanh với người dân trên diện tích 380ha, năm 2024 thu mua được hơn 100 tấn hoa hồi khô, trị giá khoảng 15 tỷ đồng. Nói về những dự định trong tương lai, chị Giang cho biết, bên cạnh việc xuất khẩu hoa hồi ra thế giới và đưa những sản phẩm tốt nhất đến người tiêu dùng Việt Nam thì Công ty cũng xây dựng đề án du lịch với cây hồi.

Bài và ảnh: VĂN THI

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Bạn đọc xem các tin, bài liên quan.