Thời chiến tranh rồi bao cấp, phương tiện giải trí chẳng nhiều nhặn nên đọc sách gần như là thú vui đáng kể đối với quần chúng. Sự lên ngôi của văn học Nga trong hàng chục năm không hề có sự ép buộc nào bởi văn học Nga có giá trị nghệ thuật cao, sức hấp dẫn riêng, chuyển tải được “tâm hồn Nga” gần gũi với tâm hồn Việt: Truyện ngắn lãng mạn của Konstantin Paustovsky, thơ trữ tình của Olga Berggoltz đã khơi dậy bao nhiêu chuyện tình đẹp của các đôi nam thanh nữ tú Việt Nam; nhân vật Pavel Korchagin trong tiểu thuyết “Thép đã tôi thế đấy” của Nikolai Ostrovsky là hình mẫu cao đẹp cho lối sống cống hiến hết mình…
Bà Natalia Shafinskaia (ngoài cùng, bên phải), Bí thư thứ hai Đại sứ quán Liên bang Nga tại Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội tặng quà các dịch giả tham gia dự án.
Trước đây, nhờ sự hỗ trợ của Liên Xô, nhiều tác phẩm văn học được chuyển ngữ sang tiếng Việt do NXB Cầu vồng đảm nhận với chất lượng in ấn rất cao. Tuy nhiên, sau khi Liên Xô tan rã, có rất ít tác phẩm văn học Nga được dịch sang tiếng Việt, tạo ra sự đứt quãng hơn 20 năm. Nếu không biết tiếng Nga, người đọc hoàn toàn mù tịt về văn học Nga đương đại diễn biến ra sao.
Trước yêu cầu cập nhật các tác phẩm văn học Nga đương đại cũng như tiếp tục giới thiệu các tác phẩm văn học Nga cổ điển chưa từng được dịch sang tiếng Việt, bắt đầu từ năm 2012, các cơ quan chức năng của hai nước đã phối hợp thực hiện Dự án dịch thuật xuất bản Nga-Việt, theo sự chỉ thị của Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin. Các cơ quan chức năng của Liên bang Nga lập danh sách hơn 200 tác phẩm văn học cổ điển, văn học hiện đại, nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn, có giá trị lớn trong việc giới thiệu văn học và văn hóa Nga để phía Việt Nam tổ chức dịch. Phía Liên bang Nga cũng bố trí nguồn kinh phí giao cho Tổ chức Liên bang về hoạt động của Cộng đồng các quốc gia độc lập, của đồng bào sống ở nước ngoài và về hợp tác nhân đạo quốc tế, hỗ trợ phía Việt Nam hoàn toàn chi phí. Sau khi in ấn ở Nga (NXB Lokid đảm nhận), các cuốn sách sẽ được chuyển về Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội tặng các cá nhân và tổ chức, nhất là các thư viện. Về phía Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam thông qua trung tâm dịch văn học mà cụ thể là Quỹ Hỗ trợ quảng bá văn học Việt-Nga sẽ tiếp nhận danh sách các tác phẩm văn học Nga cần dịch, lựa chọn các tác phẩm phù hợp, tìm người dịch và hiệu đính. Đồng thời, giới thiệu cho phía Liên bang Nga một số tác phẩm văn học Việt Nam xuất sắc để dịch sang tiếng Nga.
Đến tháng 11-2013, nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Nga Vladimir Putin, đã có một món quà văn hóa đi theo Tổng thống Nga, đó là 4 đầu sách văn học Nga dịch sang tiếng Việt và một tiểu thuyết tiếng Việt dịch sang tiếng Nga. Đến nay, đã có 22 tác phẩm văn học Nga được dịch sang tiếng Việt, tiêu biểu như: “Những kẻ tủi nhục”, “Anh em nhà Karamazov”, "Trái tim yếu mềm”, “Bút ký từ nhà chết”, “Làng Stepantsikovo và cư dân”… của Fyodor Mikhailovich Dostoyevsky; “Phu nhân Macbeth ở quận Mtsensk”, “Giáo đoàn nhà thờ” của Nikolai Semyonovich Leskov, tập thơ “Ngọn lửa Nga” của Nicolai Rubtsov, tiểu thuyết “Cuộc chiến đi qua” của Kanta Ibragimov, công trình nghiên cứu kinh điển “Chủ nghĩa Mác và triết học ngôn ngữ” của Valentine Voloshinov… và một tác phẩm văn học Việt Nam được dịch sang tiếng Nga là tiểu thuyết “Hồn bướm mơ tiên” của Khái Hưng. Dịch giả Lê Đức Mẫn, Phó giám đốc Quỹ Hỗ trợ quảng bá văn học Việt-Nga cho biết: “Trong số các tác phẩm đã được in thì chỉ có một số tác phẩm là tái bản có hiệu đính, còn lại đều là những tác phẩm lần đầu giới thiệu đến độc giả Việt Nam. Trong đó, nhiều tác phẩm giá trị như tiểu thuyết “Cuộc chiến đi qua” (1999) viết về cuộc chiến ở Chechnya đã đoạt Giải thưởng Quốc gia Liên bang Nga về văn học-nghệ thuật năm 2003, do đích thân Tổng thống Nga V.Putin trao tặng; “Du ngoạn vòng quanh châu Á trên lưng ngựa: Nhật ký Việt Nam năm 1892” của Bá tước Konstantin Vyazemski”...
Một số tác phẩm văn học Nga được xuất bản từ Dự án dịch thuật xuất bản Nga-Việt.
Nói về khó khăn khi thực hiện Dự án dịch thuật xuất bản Nga-Việt, dịch giả Thúy Toàn, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ quảng bá văn học Việt-Nga bày tỏ: “Khi vấn đề tài chính đã được phía Nga bảo đảm thì khó khăn lớn nhất chính là tìm người dịch. Phía Nga yêu cầu phải dịch từ nguyên bản tiếng Nga chứ không phải dịch từ một ngôn ngữ trung gian nào khác. Người biết tiếng Nga ở nước ta thì nhiều nhưng dịch giả văn học Nga không phải là quá nhiều và hầu hết đã ngoài tuổi 70. Những dịch giả trẻ tuổi hơn thì họ còn quá nhiều công việc khác để làm và nếu có dịch thì họ chỉ dịch những tác phẩm mà họ có cảm tình song lại nằm ngoài danh sách tác phẩm phía Nga đề nghị chuyển ngữ. Một cuốn tiểu thuyết hơn 300 trang, với tốc độ dịch 1 trang/ngày thì mất khoảng một năm để hoàn thành, chúng tôi rất muốn đẩy nhanh tiến độ nhưng sức người có hạn, đôi khi lực bất tòng tâm”. Được biết, phía Việt Nam đã đề nghị các cơ quan chức năng Liên bang Nga cấp học bổng, mở các khóa đào tạo để chăm lo cho các dịch giả tiềm năng, những người sẵn sàng đồng hành với dự án lâu dài.
Để khắc phục những khó khăn kể trên, phía Nga ưu tiên phía Việt Nam có thể chậm tiến độ một chút so với các nước khác cũng triển khai dự án dịch và giới thiệu văn học Nga. Điều đáng mừng là sau giai đoạn đầu kéo dài đến hết năm 2015, dự án vẫn tiếp tục được triển khai để các tác phẩm văn học Nga sẽ lại trở nên quen thuộc với độc giả Việt Nam, góp phần thắt chặt thêm tình hữu nghị lâu đời giữa hai quốc gia.
Bài và ảnh: HOÀNG HOÀNG