Đây là lần đầu tiên giải thưởng được tổ chức nhằm góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động báo chí về bảo vệ quyền trẻ em theo Luật Trẻ em và Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em.

Sau 9 tháng phát động (từ tháng 6-2017 đến tháng 3-2018) trên quy mô toàn quốc, giải đã thu hút sự tham gia của hơn 100 tác giả và nhóm tác giả đến từ nhiều cơ quan báo chí Trung ương và địa phương cả nước với hơn 250 tác phẩm thuộc cả 4 loại hình báo chí (báo in, báo điện tử, phát thanh và truyền hình).

leftcenterrightdel
Ông Đỗ Đức Ngọ, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam.

Các tác phẩm có nội dung phản ánh thực trạng trẻ em, việc thực hiện quyền trẻ em ở Việt Nam hiện nay, phát hiện những vấn đề bức xúc của trẻ em, phê phán những hành vi vi phạm về quyền trẻ em, việc thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em, giới thiệu những điển hình, mô hình tốt, kinh nghiệm hay về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, cũng như những mong muốn, nguyện vọng của trẻ em.

Phát biểu tại lễ trao giải, ông Hồ Quang Lợi, Phó chủ tịch Thường trực Hội nhà báo Việt Nam, đồng Trưởng Ban tổ chức khẳng định: Mỗi tác phẩm dự thi chứa đựng những thông điệp khác nhau nhưng đều hướng tới phản ánh thực tiễn đời sống của trẻ em hiện nay. Bên cạnh những bài báo phản ánh gương điển hình với những hành động đẹp giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, lắng nghe tiếng nói trẻ em từ cộng đồng, còn có nhiều tác phẩm đi sâu vào những mặt trái của xã hội mà trẻ em phải chịu đựng, như sự bạo hành cả về thể chất và tinh thần khi trẻ em là nạn nhân bị xâm hại tình dục, bị tảo hôn hay bị bóc lột sức lao động…

leftcenterrightdel
Trao giải Nhất thể loại báo in cho nhóm tác giả của Báo Nhân dân.

Không chỉ dày công tiếp cận hiện trường, thu thập thông tin để phản ánh chân thực hiện thực cuộc sống của trẻ em, nhiều tác phẩm đã đi sâu phân tích và đưa ra giải pháp để bảo vệ trẻ em tốt hơn nữa trong tình hình hiện nay. Qua đó cho thấy vai trò của báo chí trong phát hiện, bảo vệ và phản ánh những vấn đề để bảo vệ quyền trẻ em, thể hiện tinh thần trách nhiệm sẻ chia vì cộng đồng của báo chí.

Ông Đỗ Đức Ngọ, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam khẳng định bằng bản lĩnh, lương tâm nghề nghiệp và sự dũng cảm, nhà báo đã mang đến những tác phẩm báo chí viết về trẻ em có sự ảnh hưởng mạnh mẽ và lan tỏa rộng rãi đến cộng đồng. Nhiều vấn đề bức xúc của trẻ em đã được giải quyết với sự lên tiếng của người dân, sự vào cuộc của các cơ quan chức năng để không chỉ can thiệp hỗ trợ trẻ em theo từng vụ việc mà còn có tác động lâu dài, bền vững với các chính sách được điều chỉnh, ban hành mới.

“Tôi mong muốn kết nối nhiều hơn nữa với những người làm truyền thông, đặc biệt là các nhà báo chuyên viết về trẻ em để góp phần lên tiếng bảo vệ quyền chính đáng của trẻ em như Điều 92 Luật Trẻ em 2016 quy định về vai trò kết nối thông tin của Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam. Tôi tin với tinh thần “Chung tâm, Chung trí, Chung sức” của cộng đồng, đặc biệt là các nhà báo, mỗi trẻ em đều có cơ hội được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh và phát triển toàn diện”, ông Đỗ Đức Ngọ nhấn mạnh. 

36 tác phẩm xuất sắc thuộc 4 loại hình báo chí được trao giải, gồm có 4 giải Nhất (mỗi giải 10 triệu đồng), 8 giải Nhì (mỗi giải 5 triệu đồng), 8 giải Ba (mỗi giải 3 triệu đồng) và 16 giải Khuyến khích (mỗi giải 2 triệu đồng). Tổng giá trị giải thưởng lên đến 136 triệu đồng.

Tin, ảnh: THU HÀ