Cùng với thực hiện nhiệm vụ chính trị trung tâm là thông tin, tuyên truyền về sự nghiệp xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng và bảo vệ Tổ quốc, Truyền hình QPVN còn là một sản phẩm truyền thông bổ ích, hấp dẫn đối với cán bộ, chiến sĩ LLVT và khán giả cả nước.

 Hầu như ngày nào ông Nguyễn Đức Việt, 68 tuổi, thôn Trung Đại, xã Đại Đồng, huyện Tiên Du (Bắc Ninh) cũng dậy lúc 5 giờ. Theo ông Việt, dậy sớm là thói quen của một người lính đã từng trải qua những năm tháng quân ngũ, nhưng cũng vì ông muốn hòa vào không khí nhộn nhịp, sôi động của Bộ đội Cụ Hồ được phản ánh sinh động trên Kênh Truyền hình QPVN. Ông Việt tâm sự: “5 năm qua, những âm hưởng hào hùng của khúc ca “Vì nhân dân quên mình” của nhạc sĩ Doãn Quang Khải, lời Bác Hồ tuyên dương Quân đội nhân dân Việt Nam: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng” vang lên trên Kênh Truyền hình QPVN vào lúc 5 giờ 30 phút sáng hằng ngày, cùng với đó là nghi thức chào cờ thiêng liêng và hình ảnh các đội danh dự Lục quân, Hải quân và Không quân diễu binh trong tiếng nhạc “Tiến bước dưới quân kỳ” hùng tráng, tôi như được sống lại những kỷ niệm tươi trẻ, sôi nổi của một thời quân ngũ”. Khi chúng tôi hỏi: "Trên Kênh Truyền hình QPVN, ông quan tâm đến chương trình nào nhất?", ông Việt cho biết, ngoài các bản tin thời sự, ông và các cựu chiến binh trong thôn thường xem một số chương trình như: Sự kiện nhân chứng, Đối ngoại quốc phòng, Hậu phương chiến sĩ, Mạch nguồn văn hóa dân gian…

leftcenterrightdel
 Phóng viên Kênh Truyền hình Quốc phòng Việt Nam tác nghiệp tại Sư đoàn 316, Quân khu 2. Ảnh: QPVN.

Với Thiếu úy Đỗ Đình Phòng, Chính trị viên phó Đại đội 6, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 98, Sư đoàn 316 (Quân khu 2), nhiều chương trình trên Kênh Truyền hình QPVN đã trở nên thân thiết với anh từ khi còn là học viên Trường Sĩ quan Chính trị. Theo Thiếu úy Đỗ Đình Phòng, ngoài một số chương trình đã làm nên thương hiệu của Truyền hình QPVN như: Nhận diện sự thật, Người quan sát, Sống trong quân ngũ…, thời gian gần đây, cán bộ, chiến sĩ trẻ ở đơn vị cơ sở rất thích xem hai chương trình thực tế là Bạn muốn hẹn hò và Sao nhập ngũ, vì hai chương trình này có phong cách thể hiện trẻ trung, sinh động, phù hợp với tâm lý, sở thích của tuổi trẻ quân đội mà vẫn bảo đảm tính giáo dục đối với khán giả.

Làm nên vị thế của Kênh Truyền hình QPVN những năm gần đây không thể không nhắc đến Nhận diện sự thật-một chương trình chuyên luận đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch nhằm bảo vệ trận địa chính trị, tư tưởng của Đảng trong quân đội và trong xã hội. Bằng những nhận định, bình luận, phân tích có căn cứ khoa học, giàu tính thuyết phục của các chuyên gia, nhà nghiên cứu có tên tuổi, chương trình Nhận diện sự thật duy trì 15 phút/tuần góp phần đấu tranh làm thất bại âm mưu chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, qua đó góp phần quan trọng vào việc định hướng dư luận trước những vấn đề phức tạp, nhạy cảm. Đây cũng là một trong 10 chương trình được nhiều người xem nhất trên Kênh Truyền hình QPVN.

Ra đời, đi vào hoạt động mới 5 năm, thời gian tuy chưa dài nhưng thương hiệu Truyền hình QPVN ngày càng đi vào lòng khán giả bởi những thông tin nhanh nhạy, kịp thời, chính xác, nhân văn. Ngoài khán giả là đông đảo cán bộ, chiến sĩ quân đội, nhiều người dân trên khắp mọi miền đất nước luôn coi Truyền hình QPVN là sự lựa chọn thường xuyên, bởi khi mở kênh này, người xem không chỉ có cơ hội tìm hiểu sâu sắc hơn về cuộc sống, chiến đấu, lao động, công tác của Bộ đội Cụ Hồ, mà còn được biết thêm nhiều thông tin bổ ích về tình hình chính trị, kinh tế-xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước và thế giới. Phát sóng gần 35.000 tin tức quân sự, quốc phòng, kinh tế-xã hội và quốc tế, gần 7.500 phóng sự các loại, 129 phim tài liệu và hơn 50 sự kiện giao lưu, tọa đàm quy mô lớn… là những “con số biết nói” của Kênh Truyền hình QPVN trong 5 năm qua.

Theo Đại tá Nguyễn Kim Tôn, Giám đốc Trung tâm PT-TH Quân đội, Tổng biên tập Kênh Truyền hình QPVN, phát sóng được 5 năm, những thành công bước đầu của Truyền hình QPVN là nhờ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên đã biết kế thừa, phát huy truyền thống của Truyền hình Quân đội nhân dân trong 43 năm qua và biết khai thác những giá trị vốn có ở nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, ở truyền thống của quân đội và hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ. “Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục giữ vững tôn chỉ, mục đích của Kênh Truyền hình QPVN, bảo đảm phát triển đi đôi với quản lý tốt; khẳng định và phát huy vị thế của Kênh Truyền hình QPVN là một trong 7 kênh thiết yếu của quốc gia, phấn đấu vào vị trí tốp đầu các đài truyền hình, kênh truyền hình lớn trong nước, có uy tín đối với người xem trong và ngoài nước”, Đại tá Nguyễn Kim Tôn cho hay.

Ngày 19-5-2011, Trung tâm Phát thanh-Truyền hình Quân đội chính thức đi vào hoạt động. Hai năm sau, ngày 19-5-2013, Kênh Truyền hình QPVN chính thức lên sóng. Kênh Truyền hình QPVN hiện có 55 format chương trình, bao gồm 5 nhóm: Tin tức; Tài liệu-Chính luận-Bình luận; Tài liệu-Nhân văn; Thể thao-Giải trí; Phim truyện-Truyền hình thực tế. Kênh phát sóng 14 bản tin/ngày, ngoài tiếng Việt còn có tiếng Anh, tiếng Trung Quốc. 

BẢO NHƯ