Quyết định này đồng nghĩa với việc nhiều hợp đồng thương mại trị giá hàng tỷ USD của các công ty hàng không dân dụng của Mỹ và châu Âu với Iran sẽ bị “đóng băng”.

Bộ Tài chính Mỹ cho biết, sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran, trong vòng 90 ngày đầu, Bộ Tài chính sẽ làm việc để chấm dứt các giấy phép đặc biệt được cấp theo tuyên bố về chính sách cấp phép hàng không dân dụng. Bộ Tài chính sẽ liên lạc với các công ty tư nhân và làm việc nhằm chấm dứt các giấy phép một cách trật tự. 

leftcenterrightdel
Theo báo cáo của Tổ chức hàng không dân sự Iran, nước này cần 400 đến 500 máy bay trong một thập kỷ tới. Ảnh: Reuters.

Việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran đã làm tiêu tan nhiều hợp đồng thương mại tỷ USD giữa Washington với Iran cũng như giữa châu Âu với quốc gia Trung Đông này. Trong đó, Tập đoàn Boeing và Airbus bị thiệt hại nặng nề nhất. Tháng 12-2016, Boeing và Hãng hàng không quốc gia Iran (Iran Air) đã ký kết hợp đồng lớn nhất trong vòng 40 năm trở lại đây, theo đó, Boeing chấp thuận bán cho Iran 80 máy bay với tổng số tiền lên tới 16,6 tỷ USD. Việc cung cấp những chiếc đầu tiên dự kiến vào cuối năm nay. Ngoài ra, hãng hàng không này cũng vừa ký kết hợp đồng trị giá 3 tỷ USD bán 30 chiếc máy bay 737 MAX cho Công ty hàng không Iran Aseman. Việc cung cấp sẽ được tiến hành trong thời gian từ năm 2022 đến 2024. Boeing cũng chỉ ra rằng, các hợp đồng này đã tạo ra hàng chục nghìn công ăn việc làm cho người dân Mỹ. Tuy nhiên, việc Mỹ rút khỏi JCPOA đồng nghĩa với việc hợp đồng này cũng bị ngừng lại.

Trong khi đó, Airbus cũng ký kết hợp đồng với các công ty hàng không Iran như Iran Air Tour, Zagros Airlines bán 100 máy bay các loại, trong đó có cả máy bay A320neo, với tổng trị giá gần 10 tỷ USD. Hiện Airbus đã bàn giao 2 chiếc A330-200 và 1 chiếc A321. Trở ngại của Airbus là 10% số bộ phận máy bay của họ có nguồn gốc từ Mỹ nên hãng cần sự cho phép của Bộ Tài chính Mỹ trước khi bán máy bay cho Iran.

Ngoài chế tạo máy bay, còn nhiều tập đoàn thuộc các lĩnh vực khác nhau đang tiến thoái lưỡng nan. Trong ngành năng lượng có tập đoàn dầu mỏ khổng lồ Total SA (Pháp) đã ký thỏa thuận 20 năm trị giá 5 tỷ USD với Iran và một công ty Trung Quốc vào năm ngoái để khai thác mỏ khí đốt lớn South Pars ngoài khơi Iran. 

Ngành công nghiệp sản xuất ôtô cũng bị ảnh hưởng lớn. Năm ngoái, hãng xe hơi Volkswagen (Đức) đã bắt đầu bán xe ô tô cho Iran, lần đầu tiên kể từ 17 năm qua. Trong khi đó, Tập đoàn Renault của Pháp đã bán hơn 160.000 xe hơi ở Iran trong năm 2017.  Hãng xe Pháp PSA Peugeot Citroen cũng đã ký hợp đồng bán ô tô cho Iran. Tuy nhiên, đà phát triển của các hãng xe hơi này giờ đang gặp phải rào cản sau khi Washington rút khỏi thỏa thuận JCPOA.

ĐẶNG NGÂN (theo Washington Post)