Hiện nay, chính quyền Mỹ đang chịu sức ép từ các nhà thầu quốc phòng nước này khi họ phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các đối thủ nước ngoài, như Trung Quốc và Nga. Theo Reuters, Tổng thống Donald Trump dự kiến sẽ công bố kế hoạch hướng tới mục tiêu nhận được nhiều lợi ích kinh tế hơn mang tên “Mua hàng Mỹ” vào tháng 2 tới. Theo đó, những rào cản về xuất khẩu vũ khí và thiết bị quân sự Mỹ lâu nay bị hạn chế sẽ được nới lỏng, mở đường cho Mỹ tăng cường xuất khẩu mọi loại vũ khí, từ máy bay chiến đấu cho đến máy bay không người lái, cùng các loại pháo nhằm cạnh tranh với đối thủ. Kế hoạch “Mua hàng Mỹ” cũng thể hiện nỗ lực của Tổng thống Donald Trump bảo đảm cam kết trong chiến dịch tranh cử năm 2016, bao gồm tạo công ăn việc làm bằng tăng cường xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ và giảm thâm hụt thương mại đang ở mức cao.

leftcenterrightdel
Tổng thống Donald Trump đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu vũ khí thông qua kế hoạch “Mua hàng Mỹ”. Nguồn: CNBC

Một trong các nội dung then chốt của kế hoạch mới là kêu gọi các tùy viên quốc phòng và nhân viên đại sứ quán của Mỹ trên khắp thế giới hoạt động như lực lượng bán hàng cho các nhà thầu quốc phòng, tích cực tham gia hoạt động xúc tiến xuất khẩu vũ khí Mỹ để hỗ trợ ngành công nghiệp quốc phòng của nước này. Theo cách tiếp cận chủ động này, nhân viên các đại sứ quán Mỹ sẽ phải tăng cường làm việc với đối tác nước ngoài nhằm xúc tiến việc mua bán vũ khí và báo cáo với quan chức cao cấp đến thăm nước sở tại để thúc đẩy việc ký kết hợp đồng. Đề xuất này như một "sự thay đổi 180 độ" trong cách tiếp cận hiện nay của Mỹ đối với việc xuất khẩu vũ khí ra nước ngoài. Các quan chức ngành công nghiệp quốc phòng và các nhà vận động hành lang đang háo hức chờ đón kế hoạch “Mua hàng Mỹ”-một cách tiếp cận bán hàng thân thiện hơn.

Các quan chức chính phủ Mỹ cho hay, các tùy viên quân sự  lâu nay không được những đời tổng thống trước tận dụng tối đa, chỉ được giao những nhiệm vụ hạn chế như xử lý viện trợ quân sự hay cung cấp thông tin cho chính phủ nước ngoài muốn sắm vũ khí Mỹ. Về mặt pháp lý, Tổng thống Donald Trump có đủ thẩm quyền để chỉ đạo các nhân viên hỗ trợ an ninh của chính phủ, nhân viên quân sự và dân sự làm việc nhiều hơn để giúp thúc đẩy các thương vụ vũ khí.

Bên cạnh việc sử dụng nhiều hơn mạng lưới tùy viên quốc phòng và nhân viên thuộc đại sứ quán Mỹ ở nước ngoài, kế hoạch trên còn có một nội dung khác là đưa ra những sửa đổi trong Quy chế buôn bán vũ khí quốc tế (ITAR). ITAR-một quy chế quan trọng trong việc quản lý xuất khẩu vũ khí được ban hành từ năm 1976 và đã không được điều chỉnh gì trong hơn bốn thập niên qua. Một quan chức cấp cao của Mỹ cho hay, cùng với việc nới lỏng những hạn chế về xuất khẩu vũ khí, chính phủ Mỹ sẽ có nhiều ưu đãi hơn đối với các đồng minh và các đối tác không thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Khi được đề nghị xác nhận chi tiết về kế hoạch sắp tới, một quan chức của Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay, chính sách mới sẽ cho phép các đối tác của Mỹ tăng cường năng lực để chia sẻ gánh nặng bảo đảm an ninh quốc tế, mang lại lợi ích cho nền công nghiệp quốc phòng, cũng như tạo ra nhiều việc làm tốt hơn cho người lao động Mỹ.

Tuy nhiên, bất kỳ sự nới lỏng nào trong việc bán vũ khí cũng sẽ vấp phải phản đối từ phía những người ủng hộ kiểm soát vũ khí. Họ quan ngại về viễn cảnh chính sách mới sẽ làm gia tăng tình trạng khủng hoảng bạo lực ở các khu vực như Trung Đông và Nam Á. Giới phân tích cũng đặc biệt quan ngại trước kế hoạch nới lỏng xuất khẩu vũ khí của Mỹ. Theo họ, kế hoạch này sẽ mang lại nhiều lợi nhuận cho các nhà thầu quốc phòng lớn của Mỹ như Lockheed Martin và Boeing nhưng cũng sẽ làm tăng nguy cơ vũ khí Mỹ rơi vào tay các tổ chức khủng bố. Trong khi đó, các quan chức chính quyền Mỹ cho biết nếu thỏa thuận bán vũ khí có lợi cho nền kinh tế và ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ thì những quy định rườm rà sẽ được loại bỏ tùy từng trường hợp.

LÂM ANH