Cuộc khảo sát nói trên được thực hiện bằng cách lấy ý kiến của 2.722 chuyên gia thuộc các công ty lớn và các hiệp hội kỹ thuật của Hàn Quốc, trong đó họ đưa ra những đánh giá về trình độ công nghệ công nghiệp của 5 quốc gia và khu vực là Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU).

Kết quả khảo sát cho thấy, Mỹ hiện là quốc gia có trình độ công nghệ công nghiệp cao nhất, do đó được lấy làm “thước đo” để “định vị” trình độ của các quốc gia và khu vực khác. Theo đánh giá của KEIT, trình độ công nghệ công nghiệp của Hàn Quốc hiện nay bằng 88% trình độ của Mỹ và nước này cần ít nhất 0,9 năm để theo kịp Mỹ. Trong khi đó, trình độ của EU so với Mỹ là 93,7% và khoảng cách là 0,39 năm. Tiếp theo lần lượt là Nhật Bản (92,9% và 0,43 năm) và Trung Quốc (83% và 1,2 năm).

leftcenterrightdel

Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol thăm nhà máy của Samsung tại Hàn Quốc, tháng 5-2022. Ảnh: Getty Images 

Các chuyên gia Hàn Quốc cũng nêu rõ một thực trạng, đó là năng lực cạnh tranh của nước này trong các ngành công nghệ cao đang ngày càng tụt hậu so với các đối thủ. Trong đó, khoảng cách công nghệ của Hàn Quốc với Mỹ, vốn đã được thu hẹp kể từ năm 2017, lại bị nới rộng vào năm ngoái. Các nhà phân tích cho rằng nguyên nhân dẫn tới điều này là do trong xu hướng cạnh tranh để giành vị trí “bá chủ công nghệ toàn cầu”, các nước đang tung ra những khoản đầu tư khổng lồ để thúc đẩy các ngành công nghiệp và công nghiệp công nghệ cao của mình, đặc biệt là Mỹ.

Tờ Business Korea cho biết thêm, năm 2023, trình độ công nghệ bán dẫn thế hệ tiếp theo của Hàn Quốc so với Mỹ đã tụt xuống còn 86,0% so với mức 90,1% của cuộc khảo sát hồi năm 2021. Mặc dù chất bán dẫn hiện chiếm khoảng 20% xuất khẩu của Hàn Quốc, nhưng các chuyên gia bày tỏ lo ngại rằng khả năng cạnh tranh suy yếu trong lĩnh vực này có thể ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc trong tương lai. Báo cáo do Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hàn Quốc công bố cũng cho thấy, hiện nước này chỉ nắm giữ 3% thị phần về chất bán dẫn hệ thống so với 70% của Mỹ.

Viện Kinh tế và Thương mại Công nghiệp Hàn Quốc thì cho biết, tính đến năm 2023, Trung Quốc đã vượt qua Hàn Quốc trong lĩnh vực đóng tàu, vốn trước đây vẫn được coi là thế mạnh lớn của Hàn Quốc. Lee Eun-chang, nhà nghiên cứu tại Viện Kinh tế và Thương mại Công nghiệp Hàn Quốc, cho rằng nhiệm vụ cấp thiết là xây dựng một chiến lược hàng hải theo kiểu Hàn Quốc, bao gồm các ngành liên quan như đóng tàu, vận tải biển, quốc phòng và tài chính, song vấn đề là hệ thống ấy vẫn chưa sẵn sàng.

Ngoài ra, theo số liệu của Viện Nghiên cứu chính sách phần mềm Hàn Quốc, trình độ công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) của nước này vào năm 2022 chỉ đạt 88,9% so với Mỹ, trong khi Trung Quốc đang theo sát Mỹ với tỷ lệ 92,5%.

“Cạnh tranh toàn cầu đang tăng tốc trong các lĩnh vực có trình độ công nghệ cao. Chính phủ và khu vực tư nhân của Hàn Quốc nên hợp tác để phát triển công nghệ nhằm bảo đảm khả năng cạnh tranh công nghệ siêu khoảng cách trên quy mô toàn cầu”, ông Jeon Yoon-jong, người đứng đầu Viện Phát triển Hàn Quốc nhấn mạnh.

Tất nhiên, sẽ có ý kiến cho rằng kết quả cuộc khảo sát nói trên chỉ là những số liệu mang tính chất tham khảo. Mặc dù vậy, các chuyên gia Hàn Quốc cho rằng để lấy lại khả năng cạnh tranh công nghệ đã mất, Chính phủ nước này cần mở rộng đầu tư nghiên cứu vào phát triển (R&D), và nếu không có sự đầu tư, hỗ trợ táo bạo hơn thì Hàn Quốc sẽ đứng trước nguy cơ bị loại khỏi cuộc cạnh tranh giành vị trí “bá chủ công nghệ cao”.

TRUNG DŨNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.