Theo chuyên gia kinh tế trưởng của Viện nghiên cứu Dai-Ichi Life Toshihiro Nagahama, phấn hoa gây ảnh hưởng đến nền kinh tế Nhật Bản dưới nhiều hình thức. Vì phấn hoa, người dân hạn chế ra đường và điều này dẫn đến việc giảm bớt mức chi tiêu. Mặt khác, do dị ứng phấn hoa nên những người lao động hay nghỉ làm nhiều ngày hoặc nếu có đi làm thì hiệu quả công việc cũng kém hơn.

leftcenterrightdel
Số người bị dị ứng phấn hoa tại Nhật Bản tăng mạnh trong năm 2018. Nguồn: Getty Imager.

Năm 2018 được dự đoán là một trong những năm có tỷ lệ người bị sốt cỏ khô (còn gọi là viêm mũi dị ứng hay dị ứng phấn hoa) cao kỷ lục ở Nhật Bản, khi số lượng phấn hoa tại một số vùng của đất nước mặt trời mọc đã tăng gấp đôi so với năm ngoái. Thủ đô Tokyo cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Một cuộc khảo sát của chính quyền địa phương cho thấy, trong năm nay, số người bị sốt cỏ khô chiếm ½ số dân Tokyo, tăng mạnh so với năm 2008 (1/3 người dân Tokyo bị dị ứng phấn hoa).

Nỗ lực tái trồng rừng của Nhật Bản sau Thế chiến II là nguồn gốc của vấn đề này. Thật không may cho người bị sốt cỏ khô, nhiều cây trồng như cây tuyết tùng và cây bách đã trưởng thành hoàn toàn và tạo ra rất nhiều phấn hoa trong vài năm trở lại đây. Hằng năm, Tokyo đã phải chi khoảng 7 triệu USD để chặt bớt các loại cây gây dị ứng và thay thế chúng bằng những giống cây có ít phấn hoa hơn. Các nhà chức trách đã tái canh cây trồng khoảng 60ha mỗi năm kể từ năm 2006. Tuy nhiên, người phụ trách về vấn đề cây xanh của thành phố Tokyo Mamoru Ishigaki cho biết: "Hiện tại vẫn chưa đủ". “Thành phố hiện có khoảng 30.000ha cây trồng tạo ra phấn hoa. Tôi muốn tăng lượng cây được trồng lại, nhưng sẽ mất từ 100-200 năm để hoàn thành”, ông Mamoru Ishigaki chia sẻ.

Tuy nhiên, không phải ai cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực của phấn hoa. Do nhu cầu khẩu trang y tế và thuốc dị ứng phấn hoa tăng cao, các công ty dược phẩm và cửa hàng bán thuốc đang “hái ra tiền”. Theo Công ty nghiên cứu y khoa Nhật Bản Anterio, doanh số thuốc chống dị ứng phấn hoa vào tháng 3 vừa rồi đạt 20 tỷ yên (tương đương 184 triệu USD) - mức cao nhất trong 10 năm và tăng 50% so với cùng kỳ năm trước.

LÂM VŨ